Nhận định chứng khoán tuần từ 21 - 25/6: Thị trường có thể bước vào sóng tăng mới

Sau những "rung lắc", thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần (tuần giao dịch từ 14 -18/6).
Chú thích ảnh
Giao dịch chứng khoán tại Sàn Maybank KimEng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN

Chỉ số VN - Index vươn lên vùng đỉnh mới, cùng đó, khối ngoại đã mua ròng trở lại. Dù vậy, thanh khoản đã giảm so với tuần trước đó. Trước diễn biến này, hầu hết các công ty chứng khoán nhận định đà tăng của thị trường có thể tiếp diễn trong tuần tới (từ 21 - 25/6), nhưng việc quản trị rủi ro cần được lưu ý trong quá trình đi lên của chỉ số.

Có động lực đi lên

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), với diễn biến hiện tại, chỉ số VN-Index có động lực tiếp tục hướng đến vùng giá mục tiêu 1.400 điểm trong các phiên tới. Tuy nhiên, lực cung cổ phiếu có thể gia tăng khi chỉ số thử thách vùng kháng cự 1.400 điểm. Vì vậy, việc quản trị rủi ro cần được lưu ý trong quá trình đi lên của chỉ số.

Cùng xu hướng, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) nhận định, nhiều khả năng, VN-Index sẽ duy trì tăng điểm và hướng tới vùng kháng cự mạnh hơn ở 1.380 - 1.400 điểm.

Tuy nhiên, theo công ty này chỉ số có thể sẽ kiểm định lại vùng đỉnh cũ 1.370 - 1.375 điểm trong các phiên đầu tuần tới trước khi xác nhận xu thế tăng ngắn hạn.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường đã phục hồi thành công sau nhịp điều chỉnh ở những phiên đầu tháng 6. Sự trở lại của các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép... chính là động lực giúp chỉ số VN-Index có đỉnh cao mới.

Về kỹ thuật, thị trường có thể bước vào sóng tăng mới sau khi vượt thành công đỉnh cũ để hướng đến mục tiêu ngắn hạn ở 1.420 - 1.450 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm, kết thúc tuần giao dịch, với việc chỉ số VN- Index tiếp tục lập đỉnh mới, nhiều cổ phiếu cũng theo bước lên vùng giá mới giúp tâm lý nhà nhà đầu tư hưng phấn. Đà lan tỏa của dòng tiền thông minh vẫn chưa chấm dứt và "cuộc chơi" vẫn đang tiếp diễn, VDSC nhìn nhận.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần giao dịch gần nhất cho thấy, lực cầu mua lên vẫn là tương đối tích cực. Dù vậy, đã có sự thận trọng hơn trong tâm lý của giới đầu tư so với trước đó.

Trên góc nhìn kỹ thuật, việc chỉ số VN-Index kết tuần trên ngưỡng 1.375 điểm mở ra cơ hội cho việc nối dài sóng tăng với mục tiêu quanh ngưỡng 1.400 điểm.

Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số qua ngưỡng 1.375 điểm là chưa dứt khoát và thanh khoản có sự suy giảm. Do vậy, vẫn cần quan sát thêm diễn biến trong phiên ngày 21/6 để đánh giá về xu hướng của VN-Index.

Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 21 - 25/6, thị trường có thể sẽ hướng đến ngưỡng kháng cự quanh 1.400 điểm nếu như diễn biến trong phiên 21/6 là thực sự tích cực, SHS cho biết.

Trở lại diễn biến thị trường tuần qua, chốt tuần giao dịch (từ 14 – 18/6), VN-Index tăng 26,03 điểm lên 1.377,77 điểm; HNX-Index tăng 2,04 điểm lên 318,73 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước với trung bình khoảng 23.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 11% xuống 119.447 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX giảm 3% xuống 21.570,44 tỷ đồng.

Thị trường tăng điểm trong tuần qua giúp các nhóm ngành cổ phiếu chính cũng có sự hồi phục. Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 5,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột như: GAS tăng 6,6%, POW tăng 2,1%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 5% giá trị vốn hóa, nhờ mức tăng của cổ phiếu trụ cột như: DPM tăng 7,5%, HSG tăng 7,3%, DCM tăng 6,6%, NKG tăng 4,2%...

Nhóm dầu khí tăng 4,6% giá trị vốn hóa. Các mã tăng mạnh là BSR tăng 8,8%, PVS tăng 6%, PLX tăng 4,6%, OIL tăng 3,5%, PVD tăng 2,9%...

Nhóm tài chính tăng 3,1% giá trị vốn hóa. Các mã tăng như: VCI tăng 14,4%, HCM tăng 13,2%, SHS tăng 10,2%, VND tăng 9,8%, VHM tăng 6,1%, SSI tăng 2,7%...

Các ngành khác đều có mức tăng khá tích cực. Theo đó, nhóm công nghiệp tăng 3,6% giá trị vốn hóa; nhóm hàng tiêu dùng và nhóm dược phẩm và y tế đều tăng 2,3% giá trị vốn hóa; công nghệ thông tin tăng 0,3% giá trị vốn hóa.

Ở chiều ngược lại, chỉ còn nhóm ngân hàng là giảm trong tuần qua khi chịu áp lực chốt lời. Cụ thể, nhóm này giảm 0,8% giá trị vốn hóa.

Về diễn biến khối ngoại tuần qua, khối này mua ròng trở lại 94,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại sàn HOSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi bán ròng 6 tuần liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại gần 220 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 9 liên tiếp nhưng giá trị giảm 93,4% so với tuần trước đó và ở mức 12 tỷ đồng.

Tại sàn HNX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp, với giá trị tăng 12,7% so với tuần trước, đạt mức 137 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vươn lên đỉnh mới trong bối cảnh một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới có diễn biến tiêu cực.

Lo ngại sắp kết thúc chi phí vay rẻ

Trong khi nhiều thị trường đã đạt mức cao kỷ lục hoặc cao nhất trong nhiều năm vào những tháng gần đây, giới giao dịch vẫn lo lắng rằng kỷ nguyên chi phí vay rẻ có thể sắp kết thúc.

Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua biến động mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về sự thay đổi định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên cuối tuần (18/6) giảm điểm mạnh, với chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,6% xuống 33.290,08 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 1,3% và đóng cửa phiên ở mức 4.166,45 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 0,9% xuống 14.030,38 điểm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 3,5% - ghi nhận tuần thứ hai chỉ số này giảm liên tiếp và đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 30/10/2020. Chỉ số Nasdaq và S&P cũng lần lượt giảm 0,3% và 1,9% so với tuần trước.

Tại châu Á, trong phiên giao dịch chiều 18/6, các thị trường chứng khoán biến động trái chiều.

Cụ thể, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 54,25 điểm xuống 28.964,08 điểm. Okasan Online Securities cho biết, vào đầu phiên chỉ số Nikkei 225 đi lên, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ. Song sau đó, chỉ số này đã đi xuống do hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,51 điểm xuống 3.525,10 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 242,68 điểm lên 28.801,27 điểm.

Theo baotintuc.vn
Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phân hóa dòng tiền giữa các nhóm nhà đầu tư và các ngành trong tháng 5. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp ở các ngành công nghệ thông tin, thép,... tài chính ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
back to top