Chứng khoán lao dốc gần 40 điểm

Thị trường chứng khoán tiếp tục đỏ rực trong phiên 8/6 khi giảm gần 40 điểm, về mốc 1.319,88 điểm. Hệ thống giao dịch tiếp tục là vấn đề ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Bảng giá của các công ty chứng khoán tiếp tục giật cục trong cả phiên chiều 8/6. Nhà đầu tư không thể xác định chính xác giá giao dịch của các cổ phiếu, không đặt được lệnh, hoặc đặt lệnh không được gửi luôn vào hệ thống...; đồng thời, không hủy, sửa được lệnh.

Đến khi kết thúc phiên giao dịch, VN-Index trả về kết quả giảm 38,9 điểm (2,86%) xuống 1.319,88 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 321 mã giảm và 40 mã đứng giá. Thêm một điểm trừ nữa trong phiên là khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 380 tỷ đồng trên HoSE.

Trong khi đó, giao dịch vẫn diễn ra sôi động với thanh khoản duy trì ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,27 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 38.000 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh lập kỷ lục và chiếm 35.200 tỷ đồng.

Chung khoan mat gan 40 diem anh 1

Chỉ số VN-Index giật cục từ khoảng 9h40 sáng, nhiều thời điểm không cập nhật diễn biến thị trường. Ảnh: VnDirect.

Thực tế, sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán dâng cao khiến nhiều cổ phiếu lớn lao dốc. Nhiều cổ phiếu lớn như STB, DXG, PVD, MSB, LPB, HSG, HCM... bị kéo xuống mức giá sàn và thậm chí một số trắng bên mua. STB về mức 28.600 đồng/cổ phiếu, LPB về 29.250 đồng/cổ phiếu, PVD về 23.650 đồng/cổ phiếu, HSG về 42.250 đồng/cổ phiếu, HCM về 37.150 đồng/cổ phiếu.

Rổ VN30 tràn ngập sắc đỏ với 26 mã giảm và chỉ 4 mã tăng, trong đó số mã rơi hơn 4% là BID, CTG, HDB, HPG, MBB, POW, SSI, STB, TCB, TPB, VRE. Chỉ có duy nhất VJC là tăng hơn 4%, còn lại VNM, SBT, REE tăng không đáng kể.

Hầu hết nhóm ngành hàng đều giảm điểm, điển hình là ngân hàng, thép, chứng khoán, dầu khí, dệt may, thủy sản. Riêng ngân hàng, tất cả mã cổ phiếu “đỏ lửa”, trong đó có 3 mã nằm sàn.

Trước diễn biến của thị trường, một số công ty chứng khoán nhìn nhận việc thị trường lao dốc phiên 7/6 và 8/6 chủ yếu do đã tăng quá nóng trước đó. Do vậy, đây chưa hẳn là tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, mà chỉ nên được xem là một nhịp điều chỉnh trong xu thế tăng.

Sau khi kết thúc phiên giao dịch 8/6 với thị trường giảm gần 40 điểm, chị Nguyễn Thị Lan Anh (Hà Nội) vào một nhóm trên mạng xã hội bày tỏ bức xúc: “Nhà đầu tư không biết đường nào mà lần, chỉ số chung thì không nhảy, không cho hủy lệnh, bảng điện thì ngày nào cũng đơ, lệnh trả chậm. Nói thật, cũng vì thị trường như vậy mà tôi phải tạm bán hết cổ phiếu, chấp nhận lỗ cả trăm triệu đồng”.

Chia sẻ với chị, một tài khoản tên Vũ Sơn cho biết hai hôm nay, tài khoản của anh “bốc hơi” 500 triệu đồng vì đặt lệnh bán rồi nhưng không khớp (không sửa, hủy được lệnh). Một người khác kể tài khoản đang từ lãi 200 triệu đồng thành âm 100 triệu do mua mới cổ phiếu trong sáng 8/6 và không thể chốt lời hàng cũ vào buổi chiều.

 
Theo zingnews.vn
Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phân hóa dòng tiền giữa các nhóm nhà đầu tư và các ngành trong tháng 5. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp ở các ngành công nghệ thông tin, thép,... tài chính ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
back to top