Lãi suất tiết kiệm không có áp lực tăng
Trong quý 2/2021, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định tại hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM), tập trung vào các kỳ hạn ngắn và nhóm khách hàng cá nhân. Ngoại trừ có sự điều chỉnh tăng nhẹ tại SHB (tăng 0,1 - 0,3%) và giảm ở VPBank và HDBank (giảm 0,3- 0,7%).
Còn tại các ngân hàng thuộc Big 4 là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agrigank, lãi suất gần như không có biến động so với các tháng trước.
Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện đã xuống mức 4%/năm. Lãi suất tiết kiệm 6 tháng áp dụng với khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến cao nhất là 6,45%/năm, trong khi gửi tại quầy chỉ dao động quanh mức 3,8 - 6,25%/năm.
Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi online dao động từ 4 - 6,7%/năm, vị trí cao nhất thuộc Nam A Bank. Nếu gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,8 - 6,35%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi trực tuyến sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 4,6 - 6,9%/năm và mức lãi suất cao nhất đang thuộc về Kienlongbank, Nam A Bank.
Về biến động nhẹ của lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM nhận định, đây không phải là xu hướng chung của thị trường, mà chỉ cục bộ ở một vài ngân hàng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại Việt Nam trong quý 2/2021, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các nhà máy đóng cửa đã khiến nhu cầu tín dụng yếu đi, mà thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào. Lãi suất huy động vì thế sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và khó có thể tăng do dịch bệnh ngày càng phức tạp, chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng tập trung vào chất lượng, giảm lãi suất huy động tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ kinh tế.
Hiện lạm phát đang tăng cao, nhưng chưa phải là vấn đề đáng lo như năm 2008 và 2011. Tỷ giá tiền đồng trong nhiều năm qua ổn định. Vì vậy, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm không có nhiều áp lực tăng trở lại như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong nửa cuối năm 2021, nếu Việt Nam mở rộng được chương trình tiêm văcxin ngừa Covid-19 trong toàn dân và các doanh nghiệp, cầu tín dụng sẽ được cải thiện, lạm phát có xu hướng tăng thêm. Khi đó, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng nhẹ đến 0,5%/năm, như thế là không đáng kể. Dòng tiền nhàn rỗi trong dân sẽ “chảy sang” các kênh đầu tư khác để sinh lời.
Chứng khoán nghẽn lệnh vì tăng quá "nóng"
Khi lãi suất ngân hàng không còn đủ “sức hấp dẫn”, nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn kênh đầu tư mới.
Tiền kỹ thuật số và các sàn giao dịch bất hợp pháp đã bị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và cảnh báo tới người dân. Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết chặt từ tháng 9/2020.
Vì vậy, chứng khoán hiện đang là kênh dầu tư “nóng” nhất. Nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán (nhà đầu tư F0) cho biết, dù kiến thức về chứng khoán còn hạn chế, nhưng nhờ đổ tiền vào đầu tư chứng khoán đã lãi được 20 - 30% vốn, cao gấp nhiều lần gửi tiết kiệm cả năm.
Thị trường ngoài một số nhịp điều chỉnh ngắn, đều bao phủ hầu hết sắc xanh, đặc biệt từ nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thép và chứng khoán.
Đến ngày 3/6/2021 Vn-Index đã tăng 237 điểm, tương đương tăng 21,46% so với thời điểm đầu năm 2021.
Tính đến cuối tháng 5/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,25 triệu tài khoản. Chiếm 99% số đó là tài khoản của cá nhân trong nước, tăng hơn 742.000 tài khoản so với cùng kỳ năm 2020.
Dòng tiền giao dịch trong nước đã góp sức đẩy các chỉ số chứng khoán tăng mạnh, bất chấp khối ngoại liên tục bán ròng. Đỉnh điểm phải kể đến sự cố nghẽn hệ thống giao dịch sàn HOSE ngày 1/6 vừa qua, do số giao dịch vượt quá 21.700 tỷ đồng, khiến lãnh đạo HOSE phải xin tạm ngưng giao dịch trong buổi chiều để đảm bảo an toàn hệ thống.
Sau đó, nhiều công ty chứng khoán thông báo tạm dừng tính năng sửa/huỷ lệnh sàn HOSE để tránh nghẽn lệnh do thanh khoản trên thị trường liên tục tăng mạnh.
Dựa trên giả định thanh khoản thị trường, dự phóng về kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong năm 2021 đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên. Dự báo Vn-Index sẽ có thời điểm vượt 1.400 điểm trong năm 2021 và ước tính thận trọng Vn-Index dao động xung quanh ngưỡng 1.400 điểm trong năm 2022.
Dư nợ cho vay ký quỹ cũng gia tăng kỷ lục. Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cuối quý 1, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 53.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, tương đương tăng 53%. Con số này có xu hướng tăng theo cấp số nhân cho đến thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, chuyên viên phân tích của SSI cho rằng, quy mô cho vay ký quỹ so với quy mô tăng của thị trường thực tế không đáng kể, thậm chí là giảm đi.
Trước sức tăng nóng của thị trường, các công ty chứng khoán buộc phải nâng vốn điều lệ, tăng cường huy động vốn để nâng giới hạn margin được phép cho vay.
Khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các công ty chứng khoán đã đẩy mạnh phát hành cổ phiếu để tăng vốn, thậm chí hợp tác vay vốn từ khách hàng với lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng, từ 7 - 8,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng.