Những sai lầm khi phục hồi da cháy nắng
Không thể phủ nhận vai trò của ánh nắng với sức khỏe, nhưng ánh nắng gay gắt, tia UV cao lại là kẻ thù phá hoại làn da, thậm chí là ung thư da nếu chúng ta không bảo vệ da đúng cách. Trung bình vào những ngày nắng nóng, khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, tia tử ngoại cực kỳ gay gắt, độ xuyên thấu qua da rất lớn. Kem chống nắng không bảo vệ da bạn hoàn toàn khỏi những tác hại của ánh nắng. Vì vậy, cần phải biết cách phục hồi da sau khi tiếp xúc với ánh nắng hay còn gọi là nhả nắng.
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, người chuyên nghiên cứu về mỹ phẩm xanh cho biết, nhiều người khi thấy da bị đen xỉn, cháy nắng là sử dụng ngay kem làm trắng da khắc phục. Một số người thì chọn cách tẩy da chết để loại bỏ lớp da nám sạm. Điều đó gây ảnh hưởng xấu đến làn da bởi lẽ khi đó, làn da đang đỏ ửng, đôi khi ngứa và bỏng rát, sử dụng kem lúc này không chỉ không đem lại hiệu quả mà còn khiến làn da bị kích ứng. Làn da lúc này đang bị tổn thương, cần nhẹ nhàng hồi phục bằng các phương pháp đơn giản, thiên nhiên như sử dụng nha đam đắp lên để làm dịu da, xông hơi với tinh dầu để loại bỏ dần da chết và hồi phục da mới.
Ngay khi bạn thấy da mình bị cháy nắng, hãy lập tức tìm kiếm những thứ có thể làm mát da càng sớm càng tốt. Có thể sử dụng nước xịt khoáng, khăn lạnh hoặc đá được bọc trong một chiếc khăn để giúp da có cảm giác mát hơn, cân bằng nhiệt độ cho vùng da bị cháy nắng. Tùy vào tình trạng của da mà bạn có thể làm điều này trong 10, 15 phút hoặc thậm chí trong vài giờ. Sau đó, hãy rửa mặt bằng nước trà xanh. Trà xanh chứa nhiều chất catechin và flavonoid, có tác dụng xoa dịu cảm giác nóng rát do cháy nắng và giúp khôi phục các tế bào bị tổn thương, phồng rộp, đen sạm hiệu quả.
Hạn chế ra nắng khi da đang tổn thương
Khi da đang bị cháy nắng, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng vì da lúc này đang yếu, các tế bào mới sản sinh rất dễ bị tổn thương. Nếu gặp phải ánh nắng, chúng sẽ lại tiếp tục chết, khi đó rất khó để hồi phục, làn da sẽ trở nên đen sạm, nhăn nheo. Để có làn da khỏe từ bên trong thì phải tích cực uống nhiều nước và ăn nhiều loại rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin nuôi dưỡng và phục hồi da nhanh chóng. Tránh tự ý lột da ở những vùng da bị tổn thương mà hãy để cho nó bong tróc một cách tự nhiên. Sau khi da hết bị mẩn đỏ và đau rát, nên sử dụng các loại mặt nạ dưỡng ẩm, các loại kem dưỡng ẩm, kem làm trắng da,… để làn da nhanh chóng trắng sáng, mịn màng.
Có thể sử dụng các loại nguyên liệu lành tính như mật ong, sữa chua, lòng trắng trứng gà… để đắp lên phần da bị cháy nắng. Mật ong có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi làn da bị tổn thương do cháy nắng. Bôi lòng trắng trứng hay đắp những lát dưa chuột hoặc cà chua cắt mỏng lên vùng da bị cháy nắng là cách làm dịu da. Hơn nữa, những loại vitamin, những dưỡng chất có trong dưa chuột sẽ giúp da phục hồi hiệu quả.
Cần biết phân biệt bỏng nắng và cháy nắng: Cháy nắng thường ít nguy hiểm, nó chỉ làm xỉn màu da và sẽ biến mất sau một thời gian (tùy cơ địa mỗi người). Khi da bị bỏng nắng thì không được tự ý chữa trị mà phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, điều trị. Sau khi đi nắng mà cảm thấy mệt hay chóng mặt, mạch đập nhanh, thở mạnh, cảm thấy lạnh, buồn nôn, sốt rét hoặc phát ban, phồng rộp nặng… thì nghĩa là vấn đề đã trở nên nghiêm trọng.
Bảo Khánh