Nguyễn Mạnh Tường - tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Nguyễn Mạnh Tường - tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, cái trí tuệ mà chính người Pháp đã phải vừa khen vừa cay đắng cảnh báo "Người Pháp nên cẩn thận để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?".

Tiến sĩ luật ở tuổi 22                       

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội, quê chính ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cụ Nguyễn Văn Cát, thân phụ của Nguyễn Mạnh Tường rất quan tâm đến việc học hành của con từ lúc còn bé.

Nguyễn Mạnh Tường là người thông minh khác thường và rất siêng học. Ở trường Trung học Albert Saurraut, cùng với với các bạn học người Pháp từ lớp 1 đến lớp 10, Nguyễn Mạnh Tường đều xếp thứ nhất, mặc dù ông đã học nhảy 2 lớp. Tốt nghiệp tú tài Triết học hạng ưu, ở tuổi 16, năm 1927, ông được học bổng sang du học tại Pháp.

Chỉ 3 tháng sau khi nhập học tại trường Đại học Moutpellier, một trường nổi tiếng có truyền thống lâu đời nhất của Pháp. Ngày 2/3/1928, ông nhận được chứng chỉ văn chương Pháp.

Ngày 14/6/1929, Nguyễn Mạnh Tường đỗ cử nhân Văn học cổ điển loại ưu. Một năm sau, ngày 10/7/1930, ông đỗ cử nhân Luật khoa. Ngày 28/5/1932, Nguyễn Mạnh Tường đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Luật với điểm tối ưu. Luận án chính nhan đề "Cá nhân trong xã hội Việt Nam thời cổ". Luận án phụ là "tổng luận về Luật thời Lê".

Cuối năm 1932, bảo vệ tiếp luận án Tiến sĩ văn khoa với luận án "Khảo cố về giá trị kịch tính trong các tác phẩm văn học của J Boassiere".

Nhận xét về luận án của Nguyễn Mạnh Tường, ông chánh chủ khảo (chủ tịch hội đồng) người Pháp đã nói: "Ông còn trẻ tuổi, học ở trường đại học mấy năm nay đều đứng đầu cả. Ông học tập sắc sảo một cách lạ thường, nay bản luận án tiến sĩ đem trình Hội đồng thật là kết quả mỹ mãn của công phu học tập bấy lâu. Hội đồng phải phục cái tài cao học rộng, chí khí cao thượng của ông.

Bản luận án của ông là một kiệt tác về luật học- một kiệt tác vừa về văn học nữa... 22 tuổi mà đã rõ ra mặt bác học toàn tài... Ở nước Pháp chưa hề thấy có một người 22 tuổi mà đỗ tiến sĩ văn khoa bấy giờ".

Báo chí Pháp cả một thời ca ngợi trí tuệ Việt Nam "Nguyễn Mạnh Tường hai bằng tiến sĩ Văn chương, tiến sĩ Luật ở tuổi 22". Chỉ có một nhà bình luận Clement Vautel trong bài xã luận trên báo Le Journal vừa khen vừa cay đắng cảnh báo "Người Pháp nên cẩn thận để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?".

Đừng phục vụ ngoại bang

Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường về nước, lúc vừa đến Hải Phòng có một cụ già thành kính đến vái chào ông và nói: "Cậu là người có tài, cậu đừng lấy cái tài ấy mà phụng sự cho ngoại bang". Không tìm được việc làm tương xứng với học vị của mình, ông lại sang Pháp.

Lúc đầu ông đi nghiên cứu văn học và luật học ở nhiều nước châu Âu, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bỉ, Đức, Áo, Hung. Cuộc du khảo châu Âu 5 năm đã giúp ông sau này viết một loạt tác phẩm bằng tiếng Pháp.

Năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường về nước, lần này ông được chính quyền Pháp mời dạy văn chương Pháp và văn chương châu Âu tại trường Bưởi và tại trường đại học Đông Dương. Từ năm 1942 đến năm 1945, ông mở văn phòng luật sư tại căn nhà số 77 phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo).

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Mạnh Tường đi theo cách mạng. Trước cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia trong phái đoàn Võ Nguyên Giáp đi dự Hội nghị đàm phán với Pháp tại Đà Lạt (1946).

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông về chiến khu III và IV, được chính phủ cử làm luật sư tại các tòa án đại hình và sung vào ban giám đốc trường dự bị đại học.

Nguyễn Mạnh Tường được lựa chọn vào đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị hòa bình thế giới tại Vienne (1953) do ông Xuân Thủy dẫn đầu và là Trưởng đoàn đi dự Hội nghị Luật gia thế giới tại Brucxelles.

Từ năm 1955, về Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường dạy ở các trường Đại học Văn khoa, Sự phạm, Tổng hợp rồi về Viện khoa học giáo dục làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài.

Năm 1960, ông nghỉ hưu, dạy Pháp ngữ tại nhà theo yêu cầu và theo đuổi những công trình nghiên cứu khoa học của mình.

Ngày 13/6/1997, luật sư Nguyễn Mạnh Tường qua đời tại Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top