Tự do rong chơi trong thế giới ảo
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, hiện nay việc trẻ con dù còn rất bé đã biết truy cập internet thành thạo và tự do tìm hiểu các thông tin trên mạng khá phố biến. Không những thế, các bé mới chỉ học lớp 3, lớp 4 đã có tài khoản trên mạng xã hội.
Ngoài giờ học, các cô bé, cậu bé còn chưa biết gì đã cắm mặt vào internet để tìm kiếm thông tin, kết bạn, chat, comment (bình luận) với bạn bè… Điều đáng nói, chưa kể việc truy cập internet, mạng xã hội chiếm mất quá nhiều thời gian của trẻ, làm cho trẻ mất đi cuộc sống thực và luôn chìm đắm trong thế giới ảo; nguy hiểm hơn, internet và các mạng xã hội tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nguy cơ tiềm ẩn khi thả trẻ lướt mạng
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm Tuổi trẻ Hạnh phúc và Kỹ năng cuộc sống cho hay, có rất nhiều lý do để trẻ yêu thích và mê mẩn internet cũng như các mạng xã hội. Bên cạnh việc sử dụng internet để tìm hiểu các thông tin, kiến thức phục vụ việc học tập, trẻ cũng lên mạng tìm hiểu nhiều loại thông tin “hay ho” khác như kết nối và kết bạn, học hỏi kỹ năng sống, tìm hiểu thông tin về người nổi tiếng và các thần tượng, xem các video trên khắp thế giới, chơi trò chơi…
Tuy nhiên, khi tham gia vào thế giới ảo trẻ vô tình mắc phải những hệ lụy xấu như nói xấu thầy cô giáo, bạn bè, tìm hiểu những thông tin sai lệnh do tò mò; chia sẻ những thông tin riêng tư… Nguy hiểm hơn trẻ rất dễ bị tác động bởi áp lực đồng đẳng, nghĩa là dễ tin và nghe theo chúng bạn cùng lứa.
Lợi dụng tâm lý này những đối tượng xấu thường ẩn náu trên mạng dưới vỏ bọc là những người bạn sẵn sàng chia sẻ tâm tư, đồng cảm với những tâm sự vui buồn với trẻ. Và tất nhiên khi đã chiếm được cảm tình, chúng sẽ bắt đầu “khai thác” để lợi dụng. Trong khi đó, trẻ lại rất thích nghe những lời tâm sự đường mật, hoặc những cách nói dường như là “chân lý” của tuổi trẻ mà người lớn, nhất là cha mẹ, lại thường không hiểu được.
Muộn màng
ThS Trần Mạnh Hoàng cho biết thêm, việc cha mẹ thả nổi con cho internet và mạng xã hội có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh quá mải mê bận rộn với với cơm áo gạo tiền, với việc làm giàu, lo cho sự nghiệp… nên không có thời gian cho con, để mặc con muốn làm gì thì làm.
Thứ hai, nhiều phụ huynh không ý thức được hết mặt trái mà công nghệ mang lại. Thấy con ngồi với máy tính lại thấy yên tâm hơn khi con ra ngoài đường với đầy rẫy những rủi ro. Tuy nhiên, có không ít bậc phụ huynh phát hoảng khi vô tình đọc được những đoạn hội thoại của con chát với bạn bè trên các trang mạng xã hội.
Cũng theo ThS Trần Mạnh Hoàng, có nhiều bậc phụ huynh kể, ở ngoài con họ vô cùng lễ phép, ngoan ngoãn, nhưng khi tâm sự với bạn trên mạng xã hội, con sử dụng những ngôn từ “nóng”, “bậy”. Hơn nữa, trẻ còn đề cập đến những chủ đề mà các bậc phụ huynh cảm thấy rất sốc.
Điều đáng nói, khi các bậc phụ huynh nhận ra được những hệ lụy này thì đã muộn. Lúc này, việc cấm đoán không đem lại tác dụng, thậm chí còn làm trẻ phản kháng vì luôn cho rằng cha mẹ không hiểu chúng khi tham gia vào thế giới trực tuyến. Nguy hiểm hơn, khi bị cha mẹ cấm đoán, không ít trẻ đã bỏ học, nói dối bố mẹ như đi thăm bạn ốm, học thêm… để tạt vào những nơi có thể truy cập internet. Và hiểm họa chồng thêm hiểm họa.
Đối với trẻ em từ 6 tuổi trở nên, việc cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng internet là cần thiết. Công nghệ không có gì xấu, thậm chí còn có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, quan trọng các bậc phụ huynh cần phải hiểu thật kỹ về công nghệ, những ưu điểm và cả nhược điểm mà công nghệ mang lại để từ đó có cách bảo vệ con mình khỏi các ảnh hưởng xấu từ internet.
ThS Trần Mạnh Hoàng
Đức Anh