Nguy cơ mắc trĩ khi mang thai

(khoahocdoisong.vn) - Mẹ bầu mang thai - em bé trong bụng ngày càng phát triển, tử cung lớn dần lên sẽ gây áp lực ngày càng nhiều lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến chúng giãn ra hoặc sưng lên.

Hỏi: Em mới có thai hơn 7 tháng, thường xuyên táo bón và bị trĩ sưng phồng. Xin hỏi, bị trĩ như của em có là bình thường hay bất thường. Nguyên nhân do đâu? Sau sinh có hết?

Lê Thị Phượng (Hà Nội)

BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Trưởng khoa Khám chuyên sâu Sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Bệnh trĩ gây nên do tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn trực tràng. 

Khi mang thai, tử cung lớn dần lên sẽ gây áp lực ngày càng nhiều lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến chúng giãn ra hoặc sưng lên. Nồng độ nội tiết tố progesterone gia tăng trong thai kỳ làm các cơ giãn ra, khiến các thành tĩnh mạch dễ bị phình lên. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng táo bón, bởi progesterone làm chậm nhu động ruột. 

Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, làm tăng thêm gánh nặng lên tĩnh mạch.Ngoài ra, những yếu tố sau cũng tác động lên hậu môn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở mẹ bầu: Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ. Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu.

Bệnh trĩ đặc biệt phổ biến từ tuần thứ 28 trở đi. Trong hầu hết trường hợp, nó có thể biến mất hoàn toàn mà không cần điều trị sau khi sinh, khi nồng độ nội tiết tố, lượng máu và áp lực trong ổ bụng bạn giảm về mức bình thường.

Theo Đời sống
back to top