Vụ việc Big C ngừng nhập hàng may mặc của các đối tác Việt đang dấy lên lo ngại hàng Thái sẽ dần hất chân hàng Việt để chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Điều này không phải là không có khả năng, khi trong nhiều năm trở lại đây, các nhà đầu tư từ Thái Lan đã lần lượt thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt. Khẩu vị của người Thái rất rõ ràng, nhắm đến các công ty đầu ngành của các lĩnh vực tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, người Thái đang nắm trên 50% thị trường Việt, thông qua việc mua lại nhiều thương hiệu bán lẻ đầu ngành. Chẳng hạn như Central Group chi 1,14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam vào tháng 4/2016. Đầu năm 2015, Central Group cũng chi hơn 200 triệu USD mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Ngoài Central Group, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn bị thâu tóm bởi tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) - một đơn vị thuộc TCC Holdings - của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Năm 2013, BJC đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart. Cũng trong năm 2013, BJC thâu tóm 65% cổ phần của Phú Thái Group - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc. Giữa năm 2014, BJC tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD).
Ngoài việc thâu tóm thị trường bán lẻ - ngành hàng được đánh giá là đầu ra cho tất cả các nhà sản xuất, người Thái cũng thâu tóm rất nhiều đơn vị sản xuất tại Việt Nam.
Thương vụ đình đám nhất cho đến thời điểm hiện nay là thương vụ tỷ phú Charoen “rút ví” gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% vốn tại Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm 2017. Lưu ý, Sabeco là doanh nghiệp chiếm gần 41% thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đến đầu năm 2018, The Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan) thông báo đã mua thêm để nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên trên 54%. Nhựa Bình Minh thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam, với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm. Trước đó, hồi năm 2015, The Nawaplastic Industries cũng làm xôn xao dư luận khi chi 1.000 tỷ đồng mua lại 80% vốn của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) - top 5 công ty sản xuất bao bì tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê chưa chính thức, hiện SCG nắm quyền chi phối trên 20 doanh nghiệp tại Việt Nam, hầu hết trong đó là các doanh nghiệp có “máu mặt trong ngành nhựa – bao bì như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái...
Cuối tháng 5/2018, SCG mua 29% cổ phần còn lại tại Nhà máy lọc Hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với giá 2.052 tỷ đồng. Trước đó, tháng 12/2012, SCG cũng chi gần 5.000 tỷ đồng mua lại 85% vốn Công ty CP Prime Group - doanh nghiệp sản xuất gạch lát bằng gốm nắm trên 30% thị phần Việt Nam. Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam cho tới nay.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, C.P Vietnam, thuộc Tập đoàn C.P Group của gia đình tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont hiện đang là “vua” trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với doanh số hơn 2,6 tỷ USD. Hiện C.P Việt Nam đang hoàn thiện mô hình ngành thực phẩm khép kín của mình bao gồm chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản.
Ngoài ra, người Thái cũng nhòm ngó nhiều lĩnh vực khác như thông qua Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL), ông Charoen mua lại 70% vốn của Công ty cổ phần phát triển nhà GHomes - công ty thành viên của An Dương Thảo Điền (HAR) năm 2016.
Hay TCC Holding cũng đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), đơn vị nắm hơn 50% thị phần sữa tại Việt Nam.
Không nổi tiếng như TCC, SCG… Tập đoàn Gulf của ông trùm năng lượng Thái Lan Sarath Ratanavadi mới đây đã công khai mong muốn đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Ná với quy mô 6.000MW, vốn đầu tư lên đến 7,8 tỷ USD. Đây là dự án điện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Đáng lưu ý, trong Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bangkok, Thái Lan mới đây, chiều 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Thái Lan.
Tại cuộc gặp này, đại diện sở hữu Sabeco mong muốn mua thêm cổ phần với cam kết mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài đồ uống. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng sẽ hưởng ứng đề nghị của Chính phủ Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Amata – chủ đầu tư dự án KCN Biên Hòa và KCN Sông Khoai - khẳng định lại mong muốn đầu tư xây dựng các thành phố thông minh. Tập đoàn SCG cũng cho biết sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao dù vẫn đang chuẩn bị nguồn vốn dự án Hoá dầu quy mô lên đến trên 5 tỷ USD.