Giá cau tăng cao, giảm mạnh... "mánh cũ" lừa mãi vẫn thắng

Sau khi tăng vọt lên mức kỷ lục 80.000 - 90.000 đồng/kg, giá cau tươi bắt đầu lao dốc không phanh. Thương lái cho biết phía Trung Quốc “quay xe” hạn chế nhập là nguyên nhân giá cau giảm.
Đột ngột “quay xe”
Nếu như các năm trước, giá cau đầu vụ dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/kg thì ngay từ đầu vụ năm nay, giá cau đã trên 45.000 đồng/kg (cả cuống lẫn quả) và tiếp tục tăng. Đến tháng 10, giá cau vọt lên 80.000/kg, có thời điểm cao nhất lên tới 90.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá cau trong nước liên tiếp tăng kỷ lục là bởi Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.
Nhờ đó, người nông dân trồng cau cũng trúng đậm chưa từng có. Nhiều người còn ví “cau đắt như vàng”, bởi bán 1 tấn cau tươi có thể mua được 1 lượng vàng.
Tuy nhiên, mấy ngày qua, giá cau tươi bắt đầu lao dốc không phanh. Từ mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, giá loại quả này giảm nhanh về mức 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, một số lò sấy còn tạm ngừng mua hàng. Nguyên nhân chính là do phía các đối tác Trung Quốc bất ngờ “quay xe” hạn chế nhập cau khiến các thương lái cũng giảm sức mua để thăm dò giá thị trường.
Gia cau tang cao, giam manh...
Giá cau giảm nhanh về mức 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Anh Tuấn Khang, một người chuyên đi thu mua cau - chia sẻ, từ tháng 9, nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường Trung Quốc tăng rất cao. Do đó, nhiều nhóm tiểu thương Trung Quốc liên kết với một số chủ vựa ở Việt Nam để mua cau với số lượng lớn.
Để có thể gom được số lượng cau lớn trong thời gian ngắn, những chủ vựa này nâng giá thu mua. Các chủ vựa khác buộc phải chạy theo mức giá này để có thể mua được cau. Cứ thế, giá cau tăng từng ngày. Có thời điểm vượt ngưỡng 80.000 đồng/kg.
“Khi mua đủ lượng cau cần thiết, các chủ vựa liên kết với tiểu thương Trung Quốc muốn điều chỉnh lại mức giá thu mua cho phù hợp”, anh Tuấn Khang nói.
Một số thương lái làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc cũng chia sẻ, nguyên nhân Trung Quốc dừng nhập cau từ Việt Nam bởi nhiều công ty của phía họ đã đủ nguyên liệu sản xuất, vài công ty chưa đủ vẫn nhập nhưng số lượng rất ít.
“Phía Trung Quốc hiện đang ngừng nhập cau từ Việt Nam, họ chỉ còn nhập những lô cuối cùng mà họ đã cọc tiền cho các lò sấy cau ở Việt Nam trước đây. Những ngày tới, khả năng cao là giá tiếp tục giảm hoặc Trung Quốc sẽ ngừng nhập cau”, một chủ lò sấy cau ở huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cho hay.
“Công thức” lặp đi lặp lại
Trao đổi về câu chuyện cau tăng giá kỷ lục rồi lao dốc, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, giá tăng sau đó giảm mạnh đã thành “công thức”.
Ông nhấn mạnh, “công thức” này lặp đi lặp lại với mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Theo đó, cau là mặt hàng có thị trường rất hẹp, hiện chỉ mới xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, vài năm nay câu chuyện giá cau tăng cao và rồi giảm mạnh cũng xảy ra nhiều lần.
Thực tế, cuối năm 2022, giá cau cũng tăng vọt lên 60.000 đồng/kg. Ngay sau đó, giảm còn 3.000 - 4.000 đồng/kg khi Trung Quốc ngừng mua.
“Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, địa phương cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các loại cây trồng. Thế nhưng, nông dân mình mắc bệnh “hay quên” nên câu chuyện sau tăng giá là giảm mạnh, hay điệp khúc trồng rồi chặt vẫn cứ xảy ra. Không riêng gì với cau, chúng ta đã có quá nhiều bài học từ hồ tiêu, thanh long, cam…”, ông Cường nói.
Gia cau tang cao, giam manh...
Cục Trồng trọt từng khuyến nghị người dân không tự ý trồng ồ ạt cây cau. Thế nhưng, nông dân mình mắc bệnh “hay quên” nên câu chuyện sau tăng giá là giảm mạnh, hay điệp khúc trồng rồi chặt vẫn cứ xảy ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần khuyến cáo và định hướng, song quyết định trồng hay không lại nằm ở nông dân. Còn giá cả phải theo quy luật thị trường, thương lái không thu mua nữa, giá giảm thì cơ quan chức năng không can thiệp được.
Tại Trung Quốc, cau non được sử dụng để làm kẹo. Loại kẹo này rất phổ biến tại quốc gia tỷ dân, đặc biệt ở vùng lạnh nhờ có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể.
Dù vậy, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng muốn phát triển cây cau bền vững phải có định hướng, trồng ở những vùng có lợi thế. Đặc biệt, phải có ký kết mua bán một cách bài bản với phía đối tác Trung Quốc. Còn buôn bán tiểu ngạch sẽ nhiều rủi ro.
Những năm gần đây, một số thương lái Trung Quốc thường có chiêu trò thu mua các loại nông sản với giá cao. Được vài lần rồi họ bỏ cọc, “bom” hàng, khiến bà con điêu đứng, còn kinh tế, môi trường thì ảnh hưởng nặng nề.
Đơn cử, tại các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua, việc thương lái Trung Quốc đi lùng mua rễ tiêu với giá cao, khiến nông dân đua nhau nhổ rễ tiêu, người dân ùn ùn mua gom, nhưng rồi các thương lái Trung Quốc bỗng dưng “lặn mất tiêu”.
Còn ở miền Trung, quả dưa hấu của nông dân cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm xe tải chở dưa hấu tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để bán sang Trung Quốc, nhưng bị thương lái Trung Quốc hạ giá mua đột ngột, không bán được, buộc hàng ngàn tấn dưa hấu phải đổ bỏ la liệt dọc Quốc lộ 1A.
Trước đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng từng xảy ra trường hợp thương lái Trung Quốc đến tìm mua lá sắn, lá và thân cây bần, cây ổi với giá cao ngất ngưởng rồi sau một thời gian cũng đẩy bà con nông dân vào tình thế điêu đứng.
Với những sự việc nêu trên khiến người ta nhớ lại hàng loạt vụ việc mà thương lái Trung Quốc cũng từng làm trước đây như: thuê đất trồng khoai lang, mua rễ cây quế, mua móng trâu, sừng trâu, râu ngô, đỉa, gián, côn trùng... Thế nhưng, những bài học nhãn tiền cay đắng trên vẫn chưa khiến nhiều người tỉnh ngộ.
Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
back to top