"Về đây bên nhau, ta nối lại tình xưa...", tiếng nhạc trữ tình vang ra từ con hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) vào buổi chiều 2/6. Đến hôm nay thì Tân đã nghe quen tai, chân còn dậm theo nhịp nhạc. Thi thoảng, cậu lại nhận đồ ăn từ shipper rồi chuyển cho người dân trong hẻm qua hàng rào phong tỏa.
"Cứ như lễ lộc vậy á anh, hát suốt ngày hà", Lê Hữu Tân, nhân viên bảo vệ dân phố phường 3, nói với phóng viên. Cậu ngồi tựa lưng vào bức tường đầu hẻm, nơi chỉ đi vào sâu hơn vài chục mét là "ổ dịch" Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Những người nơi đây có vẻ đã qua giai đoạn lo lắng. Họ chấp hành nghiêm lệnh phong tỏa và bắt đầu ca hát để giảm sự bí bách.
Thế nhưng, bên ngoài hàng rào, nhiều người dân quận Gò Vấp cảm nhận được sự căng thẳng mới chỉ bắt đầu.
'Mọi thứ đến như một tai ương'
Căn nhà của anh Đặng Văn Mỹ nằm trong hẻm 437 đường Nguyễn Văn Công, có lối thông sang hẻm 415. Chiếc barrie được kê từ đó hắt vào. Gia đình anh xém chút nữa trở thành người trong khu phong tỏa.
Tối 26/5, anh Mỹ đi làm về thì thấy công an, dân quân đứng kín lối vào nhà, có cả người mặc đồ bảo hộ. Hàng xóm nói cho anh biết trong hẻm đang có ca nghi mắc Covid-19. Cả con hẻm được rào kín tứ phía từ đêm đó đến tận hôm nay.
Một trong 4 chốt chặn các lối ra vào hẻm 415. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Nó đến như một tai ương, như sóng thần hay động đất vậy. Từ hôm đó mình không đi làm nữa, phải nghỉ công việc huấn luyện viên thể thao ở Phú Mỹ Hưng", anh Mỹ chia sẻ.
Trò chuyện thêm, nam huấn luyện viên thể thao chia sẻ rằng anh cũng là tín đồ của đạo Tin Lành. Sống ở hẻm này lâu nên anh đã quen với cảnh các tín đồ ra vào trụ sở của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
"Mình không sinh hoạt trong phòng kín như họ mà sinh hoạt ở Nhà thờ Tin Lành Gia Định (quận Phú Nhuận). Mấy tuần rồi không được đến nhà thờ, tâm mình cũng áy náy lắm. Nó giống như một thói quen vậy", anh Mỹ chia sẻ.
Từ ngày 21/5, Nhà thờ Tin Lành Gia Định cùng nhiều nhà thờ Tin Lành trên địa bàn TP.HCM đã đồng loạt thông báo dừng các buổi lễ trực tiếp. Tín đồ được yêu cầu ở nhà xem thánh lễ qua livestream.
Từ ô cửa kính nhà anh Mỹ nhìn ra, một nhân viên bảo vệ dân phố lớn tuổi đang ngồi gác dưới cái nắng trưa hè. Chốc lát, ông lại cầm bình cồn để xịt khuẩn cho hàng hóa và những tờ tiền polime được shipper đưa qua lại chốt.
"Tội nghiệp chú Q., hôm qua mưa to ổng ướt nhẹp không à, mặc áo mưa cũng ướt nữa. Mà cứ phải ngồi không dám bỏ chốt. Đêm đầu chưa có cây dù, ổng phải ngồi ghé vào mái hiên nhà mình", anh Mỹ xúc động kể lại.
Già trẻ lên đường chống dịch
- Chú Q., đói bụng ăn bánh mỳ hông? Ăn cái gì tôi mua cho chú?
- Trời ơi em mới vừa ăn cơm ở nhà ra.
- Vậy hả chú. Còn con? Con ăn gì hông?
- Dạ, con đang mặc đồ bảo hộ, không ăn được cô ạ.
Người phụ nữ trung niên đội nón cói, phóng chiếc Honda cà tàng rời khỏi con hẻm. Tôi nhìn theo trong lúc đang dở câu chuyện với chú Q., nhân viên bảo vệ dân phố đang chốt trực tại "ổ dịch" Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
"Có lúc thì gói xôi, khi thì hộp cháo gà, cơm tấm... người dân ở đây không có bỏ đói mình lúc nào hết", ông Q. kể.
Người đàn ông cao tuổi cho biết bảo vệ dân phố là công việc bán thời gian, không ràng buộc nhiều như công an, quân đội hay dân quân tự vệ. "Nhưng còn sức là còn làm. Lúc nhàn thì tham gia, còn giờ cực lại muốn ở nhà thì đâu có được", ông Q. cười xòa.
Con hẻm 415 đã trải qua gần 10 ngày phong tỏa, còn 11 ngày nữa là hết hạn 21 ngày. Mấy ngày đầu người dân bên trong hơi lo lắng, nhưng họ đã dần ổn định tâm lý.
"Ở đây giờ tôi cảm thấy an toàn hơn ở ngoài á", bà Lý Hứa Trân Châu, người dân trong hẻm 415, nói ghẹo ông Q.. Người phụ nữ khẳng định "nơi nguy hiểm nhất đang là nơi an toàn nhất" bởi tất cả người dân bên trong đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Họ chỉ còn chờ đợi cách ly đủ 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm thêm một lần để chắc chắn.
Bà Châu vẫy chào người hàng xóm đang đứng ngoài hàng rào cách ly. Ảnh: Ngọc Tân. |
Cách hẻm 415 chưa đầy 1 km, tại đầu đường Nguyễn Kiệm giáp bùng binh Nguyễn Thái Sơn, một tình nguyện viên bắt đầu lạc giọng sau 4 giờ cầm loa điều tiết giao thông.
"Em năm nay 17 tuổi, chưa tốt nghiệp cấp 3. Nhưng có sinh hoạt Đoàn tại địa phương nên em xung phong ra đây trực chốt", Trần Hiếu Nghĩa, Đoàn viên phường 6, quận Gò Vấp, chia sẻ.
Bên ngoài lớp áo đoàn, Nghĩa đeo thêm 2 dây bảo hộ dạ quang để tiện làm việc ca đêm. Nam sinh 17 tuổi cho biết trực ca ngày thì nắng nôi rất cực nhưng trực từ đêm về sáng cũng không nhàn hơn. "Khoảng 4 giờ sáng là xe cộ ùn ùn chở hàng ra vô rồi anh ạ", Nghĩa nhăn nhó kể.
Cảnh tượng như từng xảy ra tại cửa soi chiếu sân bay Tân Sơn Nhất đã lặp lại với các chốt kiểm dịch ra vào quận Gò Vấp. Đó là khi việc kiểm tra khai báo y tế khiến hàng trăm người dồn ứ lại, không còn giữ được khoảng cách an toàn.
Không phải tất cả người dân đều thông thạo việc khai báo y tế qua điện thoại. Thậm chí, nhiều người có điện thoại thông minh nhưng không cài đặt 3G. Họ tụ lại thành đám đông, đi "xin WiFi" từ các dãy nhà 2 bên đường hoặc khai báo thủ công. Cả nghìn tờ giấy khai báo y tế hết veo trong một buổi sáng.
Chứng kiến cảnh các tình nguyện viên quá tải, ông Hải, người dân ngụ tại mặt tiền đường Nguyễn Kiệm, đã kê 3 cái ghế nhựa ra vỉa hè rồi photo giấy khai báo y tế miễn phí cho người dân qua chốt. "Nhiều người tưởng nhầm tôi là nhân viên của chính quyền", người đàn ông chia sẻ.
Nhìn từ trên cao, quận Gò Vấp được bao bọc 3 mặt bởi dòng kênh Tham Lương - Bến Cát và sông Vàm Thuật. Hầu hết mặt phía nam của quận giáp với sân bay. Địa thế sẵn có đã giúp giảm đáng kể số chốt trực mà Gò Vấp phải triển khai để ngăn cách với các quận xung quanh.
"Bốn cây cầu bắc qua kênh Tham Lương đều đã có chốt chặn", trung úy Phan Thành Luật, Công an quận Gò Vấp, chia sẻ. Viên công an này đang phụ trách ngã sáu Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, nơi xe cộ ùn ứ suốt nhiều ngày vì dừng chờ khai báo y tế.
Đến sáng 3/6, chốt kiểm dịch Nguyễn Kiệm được nới dài ra khoảng 50 m. Cứ 10 m lại có tình nguyện viên cầm loa phân làn xe cộ và nhắc mọi người khai báo y tế.
Công sức của lực lượng chốt trực đã giúp các loại ôtô cá nhân và xe tải chở hàng qua chốt dễ dàng hơn. Tài xế cầm sẵn điện thoại đã có mã QR khai báo y tế và được CSGT cho qua chốt mà không cần dừng xe lại.
Giải bài toán lưu thông, duy trì sản xuất
"Em với anh trai từ Cà Mau lên Sài Gòn làm việc. Hai anh em phải chung nhau một chiếc điện thoại thông minh nên lần nào qua chốt là ngại lắm", anh Lâm Văn Dương, công nhân gom rác thải sinh hoạt tại quận Gò Vấp kể với phóng viên.
Sau mỗi ngày gom rác, anh Dương thường chở ve chai từ phường 3 qua phường 15 bán cho chủ vựa, mỗi lần bán được khoảng 100.000 đồng. "Tiền đó là dùng trang trải sinh hoạt hàng ngày luôn chứ cũng chẳng tích lại được", nam công nhân chia sẻ.
Mấy hôm nay, ve chai chất đống trong căn nhà của anh Dương, vì chủ vựa ve chai "nghỉ dịch", không nhận hàng. Cuộc sống của 2 anh em chồng chất khó khăn.
Lao động thu nhập thấp tại quận Gò Vấp là những người cảm nhận rõ ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Chúng em chỉ là người gom rác thuê, người ta mua đoạn đường nào đó rồi giao lại cho tụi em làm, em chỉ biết làm vậy thôi nên chờ được công ty hỗ trợ chắc là khó. Vả lại, tụi em là người xa xứ đến, không phải hộ khẩu ở đây nên việc nhận được hỗ trợ từ chính quyền chắc cũng khó lắm", nam công nhân giãi bày.
Mưu sinh không chỉ là vấn đề của anh nhân viên môi trường "thuê khoán", nó còn đang là mối lo của hàng nghìn lao động của các chuỗi doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn Gò Vấp.
Đường Quang Trung, tuyến giao thông huyết mạch xuyên qua quận Gò Vấp, ảm đạm sau lệnh giãn cách xã hội. Các cửa hàng 2 bên đường đều đóng cửa. Một số quán ăn còn mở hé để bán đồ mang về.
Phóng viên ghé qua nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam, nơi lắp ráp dòng xe hạng sang S-Class, thì được tổ bảo vệ cho biết nhà máy đã ngừng đón công nhân từ 31/5 để phòng ngừa dịch bệnh.
Cảnh tượng tại Gò Vấp cho thấy thiệt hại về kinh tế đến ngay sau sự cố lây lan dịch bệnh. Vừa dập dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đang trở thành nhiệm vụ khó của chính quyền quận và TP.HCM.
"Vấn đề khó nhất của thành phố là lưu thông. Đây là trọng tâm phải giải quyết. Thứ hai phải bàn là đảm bảo an sinh cho người dân trong vùng áp dụng Chỉ thị 16", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Gò Vấp có gần 700.000 dân cùng với lượng người ra vào quận mỗi ngày rất lớn. Ông Đức khẳng định quyết định cách ly xã hội là rất khó khăn với thành phố khi phải giằng xé giữa 2 mâu thuẫn - duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân và giữ an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Phó chủ tịch cho rằng nếu áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố thì đó là giải pháp dễ cho nhà quản lý, cơ quan chuyên môn nhưng lại khó cho người dân, doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh hiện nay, cần giải quyết khó khăn cho Gò Vấp.