Người dân ở TP.HCM cần chuẩn bị gì khi được tiêm vaccine Covid-19?

Sau khi được tiêm vaccine, người dân có thể gặp một số tác dụng phụ như sốt, đau cơ, mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng. Đây đều là những phản ứng thông thường.

Từ ngày 19/6, TP.HCM bắt đầu tiêm phòng vaccine Covid-19 cho khoảng một triệu người. Ngoài các trường hợp ưu tiên theo Nghị quyết 21, thành phố dự kiến thực hiện tiêm chủng cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…

Dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân lưu ý một số điều trước, trong và sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19.

Trước và trong khi tiêm chủng

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM, trước khi đến điểm tiêm chủng, người dân cần mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vaccine khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có).

Trong suốt quá trình từ nhà đến địa điểm tiêm và khi tiêm, chúng ta cần tuân thủ thông điệp 5K. Ngoài ra, người dân nên tải ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại và khai báo các thông tin cần thiết.

chuan bi truoc khi tiem vaccine anh 1

Người dân cần tuân thủ 5K và mang một số giấy tờ cá nhân khi tới điểm tiêm chủng vaccine Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Khi tới điểm tiêm, người dân có trách nhiệm chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin như tình trạng sức khỏe hiện tại (có đang bị sốt, mắc bệnh cấp tính không…); bệnh lý mạn tính đang mắc phải hoặc điều trị; loại thuốc, liều trình điều trị đã hoặc đang sử dụng gần đây; từng mắc Covid-19 hay chưa; các loại vaccine tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; đang mang thai hoặc nuôi con bú hay không.

Đặc biệt, bạn cần thông báo với cán bộ y tế nếu có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào. Nếu tiêm mũi vaccine thứ 2, người tiêm phải thông báo các phản ứng của cơ thể trong lần tiêm chủng đầu tiên.

Ngoài ra, người dân nên chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế về loại vaccine được tiêm, lịch tiêm mũi tiếp theo; các dấu hiệu có thể xuất hiện và cách xử lý; cơ sở y tế, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

chuan bi truoc khi tiem vaccine anh 2

Loại vaccine được tiêm cho người dân tại TP.HCM từ ngày 19/6 là của AstraZeneca. Ảnh: Chí Hùng.

Sau khi tiêm chủng

Người dân nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau tiêm để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng, tác dụng phụ. Khi về nhà, nơi làm việc, người tiêm nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng 3 tuần sau đó. Ngoài ra, giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 nên được giữ lại.

Bạn có thể gặp một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, không gặp tác dụng phụ cũng không có nghĩa là vaccine kém hiệu quả. Nói cách khác, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vaccine.

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine Covid-19 được xem là hiếm gặp. Các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau tiêm phòng, bao gồm:

Vị trí

Phản ứng nghiêm trọng

Miệng

Tê quanh môi và/hoặc đầu lưỡi

Da

Phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da

Họng

Ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc

Đường tiêu hóa

Nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng

Toàn thân

Mạch yếu, chóng mặt, choáng, cảm giác muốn ngã, tay chân co quắp…

Khi các phản ứng nặng lên, người bệnh sẽ bị sốt cao >39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, huyết áp không ổn định.

Sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời. Sau đó, người dân cần cập nhật trên sổ sức khỏe điện tử.

Đặc biệt, người tiêm chủng không được tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng; không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau tiêm; không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.

Sau khi tiêm chủng, tất cả chúng ta đều vẫn có nguy cơ lây nhiễm nCoV. Do đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tiêm mũi thứ 2 đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để vaccine đạt hiệu quả tốt nhất.

Sáng 17/6, lô vaccine Covid-19 gồm 800.000 liều đã được chuyển tới TP.HCM. 786.000 liều được dành cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21. Khoảng 50.000 liều còn lại sẽ tiêm cho lực lượng bộ đội, công an trên địa bàn thành phố.

Theo văn bản Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký tối 18/6, thành phố có 10 nhóm ưu tiên tiêm vaccine với tổng số hơn 2.385.000 người.

TP.HCM dự kiến sẽ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine tại 1.000 điểm, thực hiện trong 5-7 ngày. Mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày. Tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.

 

 

Theo zingnews.vn
back to top