Người dân khốn khổ vì kênh La Khê bốc mùi ô nhiễm!

(khoahocdoisong.vn) - Kênh La Khê dài 6,8km từ cửa sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc đến cống Yên Nghĩa (Hà Đông), có nhiệm vụ tưới, tiêu nước cho địa phương và trong hệ thống và các quận nội thành Hà Nội.

Thế nhưng, không những vô dụng trong mục đích tưới tiêu, kênh La Khê đã và đang đem lại nỗi khổ cho cư dân ven bờ và vùng lân cận. Dòng kênh bốc mùi hôi thối, rác thải bủa vây xung quanh… tạo ra một hệ quả ô nhiễm chưa từng có ở Hà Nội.

Ám ảnh ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân, kênh La Khê đoạn chảy qua cầu Chùa Ngòi vào đường Lý Tự Trọng thuộc phường Quang Trung (Hà Đông) bị ô nhiễm kéo dài hàng chục năm nay, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân trong khu vực và gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù thành phố và các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý, song vẫn như bắt cóc bỏ đĩa.

Có mặt tại kênh La Khê, PV báo KH&ĐS mới cảm nhận rõ nỗi khổ mà người dân nơi đây phải chịu đựng khi sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù trời mới tạnh mưa, có nước lưu thông nhưng con kênh vẫn bốc mùi hôi thối, màu nước đen kịt, rác thải không chỉ nổi lềnh bềnh trên mặt nước mà còn án ngữ nhiều vô kể ở hai bên bờ kênh. 

Rác thải, nước thải sinh hoạt... đã giết chết kênh La Khê.

Rác thải, nước thải sinh hoạt... đã giết chết kênh La Khê.

Nhiều hộ dân sống ven bờ kênh La Khê, cho biết: Trước những năm 1980, kênh rất sạch sẽ và trong xanh, mọi người có thể tắm giặt, bơi lội trên dòng kênh. Tuy nhiên, từ sau năm 1980 trở lại đây, nước dần chuyển dang màu đen, bốc mùi hôi thối. Hầu như các hộ ven kênh phải đóng cửa suốt đêm ngày vì không thể chịu được.

Cũng theo người dân sống gần đoạn kênh này, thì địa phương có nhiều người mắc các bệnh như ung thư, viêm đường hô hấp, da liễu... Những bữa cơm của họ không thấy mùi thơm của thịt cá, hành tỏi mà chỉ thấy thum thủm mùi thối từ con kênh bốc lên.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, sau cả chục năm ròng thì họ đã quá quen với vấn nạn ô nhiễm của địa phương. Thế nhưng, nhiều khi mùi nặng quá khiến người dân cơm không dám ăn, nước chẳng dám uống. Nỗi ám ảnh thường nhật của người dân ven kênh La Khê không đơn thuần chỉ là kiếm kế mưu sinh nữa, mà chính là sự tra tấn bằng mùi hôi thối của con kênh này.

Nhiều đoàn công tác của Sở TN&MT TP. Hà Nội đã lấy mẫu nước của kênh La Khê và khẳng định nước trong dòng kênh này ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ số vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là chì và kim loại nặng.

Hệ lụy từ nghề dệt nhuộm từ phường Dương Nội đã khiến kênh La Khê trở thành một “kênh chết” đúng nghĩa. Một số xí nghiệp dệt nhuộm trên địa bàn Dương Nội xả thải đã bị xử phạt, mức tiền lên tới cả tỷ đồng, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.

Hằng hà sa số các loại rác ven hai bên bờ.

Hằng hà sa số các loại rác ven hai bên bờ.

Quyết liệt nhưng vẫn ô nhiễm

Trao đổi với PV báo KH&ĐS, Chủ tịch UBND phường Quang Trung - ông Hoàng Văn Tám, cho biết: Đúng là kênh La Khê đã ô nhiễm từ rất lâu rồi. Trước đây, UBND phường nhiều lần xuống kiểm tra, tuy nhiên do thẩm quyền có hạn nên UBND phường đã kiến nghị lên quận Hà Đông đưa ra biện pháp xử lý.

Theo ông Tám, từ năm 2015 UBND quận Hà Đông đã có văn bản số 419/UBND-VP yêu cầu Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các phường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dọc hai bên bờ kênh La Khê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước theo quy định.  

Ông Tám cho biết thêm: UBND quận Hà Đông cũng đã yêu cầu UBND các phường: Yết Kiêu, Vạn Phúc, Quang Trung, La Khê, Dương Nội, Yên Nghĩa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng đúng nơi quy định, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi thải ra môi trường theo quy định; phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đổ phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt xuống kênh La Khê. 

Thực trạng ô nhiễm môi trường ở kênh La Khê đang ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Thế nhưng, như lời ông Hoàng Văn Tám, Chủ tịch UBND phường Quang Trung: Ô nhiễm môi trường đúng là một vấn nạn, thế nhưng xử lý thì không hề dễ dàng. Hơn nữa, phải nhìn nhận một sự thật đó là, chính người dân đã “góp phần” bức tử kênh La Khê khi xả thải, xả rác.

Rác thải các loại tập kết ven kênh La Khê.

Rác thải các loại tập kết ven kênh La Khê.

Xếp rác làm kè!

Đúng như lời ông Tám nói, dọc hai bên kênh La Khê tình trạng đổ rác bừa bãi thể hiện rất rõ ràng. Những đống rác khổng lồ, đủ mọi thể loại từ phế phẩm xây dựng, rác sinh hoạt đến bàn ghế cũ… đều được “tập kết” trái phép ven dòng kênh.

PV báo KH&ĐS tận mắt thấy những bao tải chứa rác được xếp từ dưới lòng kênh theo kiểu lấn chiếm đất để kiếm vị trí bán hàng hoặc để xe. Không phải là hàng trăm, mà đến hàng nghìn hàng vạn bao tải rác kiểu này được lấp xuống dòng kênh từ nhiều năm nay.

Rác thải ven kênh La Khê.

Rác thải ven kênh La Khê.

Ven hai bờ kênh, những bao tải rác tiếp tục được ném xuống vô tội vạ. Còn phía trên bờ, người dân dùng những bao tải chèn lại thành một hàng rào ngăn cách sông với phần đất trồng hoa màu.

Lâu ngày những bao tải rác này mủn ra, gặp lúc mưa to gió lớn thì một phần rác trôi xuống sông, phần khác bay tứ tung lên đường lọt cả vào nhà dân. Cứ năm này qua năm khác, rác thành nỗi ám ảnh và mùi hôi thối trở thành thứ hãi hùng nhất đối với người dân ven kênh La Khê.

“Ngoài rác thải thì nước thải sinh hoạt chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm kênh La Khê. Hiện nay, kênh La Khê gần như không lưu thông nước dẫn tới hôi thối. Dòng kênh này hiện do đơn vị Thủy nông Sông Nhuệ quản lý, và trạm tiêu bơm Yên Nghĩ chính là dự án phục vụ việc bơm tiêu cải tạo dòng kênh này”, ông Hoàng Văn Tám, Chủ tịch UBND phường Quang Trung.

Theo Đời sống
Hoá mỹ phẩm Đa Dâng bị thu hồi 149ha đất

Hoá mỹ phẩm Đa Dâng bị thu hồi 149ha đất

Tổng diện tích đất thu hồi là 149,65 ha, nguyên do xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất vì thực hiện không đúng theo phương án sản xuất lâm nông nghiệp kết hợp, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất được cho thuê.
back to top