Người bị bệnh tim cần chú ý khi mang thai

(khoahocdoisong.vn) - Với sự phát triển của khoa học thì phụ nữ bị bệnh tim vẫn có thể mang thai và sinh con. Tuy nhiên, người bệnh cần có sự hiểu biết về bệnh của mình để đảm bảo mang thai an toàn cho cả mẹ và con.

Bệnh tim bẩm sinh

Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch là những bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất. Các bệnh này đều có một lỗ thông ở vách tim (phần cơ ngăn cách tim trái với tim phải). Nếu lỗ thông lớn, máu từ tim trái sẽ đi qua tim phải và được bơm trở lại phổi. Nói chung, đa số phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, nhất là những người đã làm phẫu thuật sửa chữa, đều có thể mang thai. Tuy nhiên, những phụ nữ bệnh tim bẩm sinh đã có tăng áp lực động mạch phổi không nên mang thai, vì điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ.

Ở phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, dần dần triệu chứng của suy tim sẽ xuất hiện hoặc nặng lên, làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài ở mẹ. Bố hoặc mẹ có bệnh tim bẩm sinh thì con sẽ có nguy cơ mắc tim bẩm sinh cao hơn. Bác sĩ tim mạch có thể làm siêu âm tim cho thai nhi để kiểm tra đứa trẻ có tổn thương bẩm sinh nào không. Thường làm siêu âm vào tuần thứ 10 của thai kỳ.

Nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh khi bạn dự định có thai và tư vấn về những nguy cơ có thể gặp cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai trong quá trình mang thai.

Bệnh van tim

Hẹp van động mạch chủ: Là tình trạng van động mạch chủ (ngăn giữa thất trái và động mạch chủ) bị hẹp hoặc xơ cứng. Nếu van hẹp khít, tim phải bóp mạnh hơn để bơm máu qua van lên động mạch chủ. Hậu quả là tâm thất trái sẽ giãn ra và phì đại. Cùng với thời gian, các triệu chứng suy tim sẽ xuất hiện hoặc nặng lên, làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài ở mẹ.

Một nguyên nhân thường gặp của hẹp van động mạch chủ là van động mạch chủ hai lá van, một bệnh tim bẩm sinh trong đó van động mạch chủ chỉ có hai lá, thay vì ba lá van như bình thường. Không có lá van thứ ba, van dễ bị hẹp. Phụ nữ có van động mạch chủ hai lá hoặc các loại hẹp van động mạch chủ khác cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai. Đôi khi, cần tiến hành phẫu thuật van tim trước khi mang thai.

Hẹp van hai lá: Là tình trạng van hai lá (ngăn giữa nhĩ trái và thất trái) bị hẹp. Nguyên nhân thường gặp là thấp tim. Tăng thể tích máu và tăng nhịp tim khi mang thai sẽ làm nặng triệu chứng của hẹp hai lá. Nhĩ phải có thể giãn rộng, gây tình trạng nhịp tim nhanh không đều gọi là rung nhĩ. Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng suy tim như khó thở, loạn nhịp tim, mệt mỏi, phù. Suy tim sẽ làm tăng nguy cơ cho mẹ. Một số trường hợp cần điều trị thuốc khi mang thai để làm giảm triệu chứng. Một số ca có thể cần nong van hai lá qua da trong quá trình mang thai để làm rộng lỗ van hai lá. Phụ nữ có bệnh hẹp van hai lá phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi họ dự định có thai. Đôi khi cần tiến hành phẫu thuật van tim trước khi mang thai.

Sa van hai lá: Là bệnh phổ biến, thường ít gây triệu chứng và không cần điều trị. Đa số phụ nữ bị sa van hai lá có thể mang thai an toàn. Nếu sa van hai lá gây hở van tim nhiều, cần điều trị trước khi mang thai. Tốt nhất là tuân theo chỉ định của thầy thuốc.

Van tim nhân tạo

Phụ nữ với van tim nhân tạo có thể gặp biến chứng khi mang thai. Lý do là: Người đã mổ thay van nhân tạo phải dùng thuốc chống đông suốt đời, trong khi một số thuốc chống đông có thể gây hại cho thai nhi. Còn nhiều tranh cãi về phác đồ chống đông tối ưu dành cho những phụ nữ mang thai; Nguy cơ đông máu tăng lên khi mang thai.

Nếu bạn có van tim nhân tạo và đang sử dụng thuốc chống đông, đi khám bác sĩ trước khi mang thai là rất quan trọng. Bạn sẽ được tư vấn về những nguy cơ có thể gặp và lựa chọn thuốc chống đông tối ưu. Ngoài ra, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Rối loạn nhịp tim

Hay gặp nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim) trong quá trình mang thai. Các rối loạn nhịp có thể được phát hiện lần đầu khi mang thai ở phụ nữ không có bệnh tim, hoặc là hậu quả của bệnh lý tim mạch sẵn có. Hầu hết các trường hợp không biểu hiện triệu chứng và không cần điều trị. Nếu triệu chứng tiến triển, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây rối loạn nhịp.

Bệnh động mạch chủ

Phụ nữ có bệnh lý động mạch chủ, như phình động mạch chủ, giãn động mạch chủ, hoặc bệnh lý mô liên kết như hội chứng Marfan, sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng khi mang thai. Tăng áp lực động mạch chủ khi mang thai, cũng như trong lúc chuyển dạ và rặn đẻ sẽ làm tăng nguy cơ bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ. Đây là những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.

Phụ nữ có bệnh động mạch chủ cần đi khám bác sĩ khi dự định có thai. Bác sĩ sẽ nắm được những nguy cơ tiềm ẩn của quá trình mang thai. Điểm quan trọng cần lưu ý là một số bệnh, như hội chứng Marfan, là bệnh di truyền và có thể được truyền từ mẹ sang con. Vì thế, cần tham vấn chuyên gia di truyền học.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top