Bé Đỗ Nguyễn T., 3 tuổi (Bắc Giang) được đi viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn và liệt chân. Tại bệnh viện Nhi T.Ư bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm màng não nhưng khi điều trị thì bệnh không đỡ và có chiều hướng gia tăng.
Xét nghiệm ký sinh trùng mới biết bé bị mắc giun lươn. Nguyên nhân là do bé thường ngồi nghịch đất cát khi theo mẹ ra làm vườn, làm đồng.
Lời bàn: GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng Trường ĐH Y cho biết, giun lươn sống ký sinh, trong giai đoạn ấu trùng chúng sống ở nơi các loài thuỷ sản như ốc, thường gặp ở ốc sên. Khi trưởng thành chúng chuyển sang sống ký sinh nơi các vật chủ như ếch, chuột...và vào não người gây viêm màng não. Người bị nhiễm giun lươn do tiếp xúc với đất ô nhiễm phân có ấu trùng giun.
Lúc này, ấu trùng chui qua da, vào máu, đến phổi rồi di chuyển đến đường tiêu hóa, sinh sôi nảy nở và được bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, đôi khi ấu trùng phát triển trong lòng ruột, đi xuyên qua thành ruột, theo máu lên não, gây viêm màng não, áp xe não...
Vì vậy, để phòng ngừa nhiễm giun lươn, không nên cho trẻ nghịch đất, đi chân đất hoặc chơi các trò chơi tiếp xúc với đất. Cần tạo thói quen mang găng, ủng khi làm việc với đất. Tuyệt đối không ăn thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
N.Hà (ghi)