"Ngấm đòn" Covid-19, doanh nghiệp đua chuyển đổi số

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã tự xoay xở bằng nhiều cách, nổi bật là chuyển đổi số, tăng tốc công nghệ hóa, để đảm bảo duy trì sản xuất, vượt qua đại dịch.

Chỉ duy trì đã tốt

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến các doanh nghiệp tiếp tục chịu khó khăn gia tăng. Theo khảo sát của VCCI, gần 85% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm, 82% cho rằng doanh thu sẽ sụt giảm.

Để vượt qua đại dịch, các doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến duy trì sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phương án được đánh giá tốt nhất là sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tổ chức cho công nhân nơi ăn chốn nghỉ tập trung, duy trì số lượng công nhân để vận hành nhà máy.

Cùng với đó là chia ca sản xuất để đảm bảo quy định giãn cách, không tập trung đông người trong diện tích hẹp… Tuy các phương án này sẽ làm gia tăng chi phí, nhưng các doanh nghiệp đều xác định duy trì đơn hàng để tạo đà hồi phục.

Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam, một công ty thuộc ngành may mặc thời trang nội địa cho biết, dịch bệnh khiến công ty phải thu hẹp quy mô do nhân sự sụt giảm. Nhưng công ty đã chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng thiết bị y tế thiết yếu. Đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng trên thế giới.

Còn tại Acecook Việt Nam, công ty đã xây dựng một cơ chế riêng để hỗ trợ người lao động duy trì sản xuất trong dịch, như tăng lương, hỗ trợ cho người lao động nếu bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh (F1, F0)…

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - HAPRO chọn tái cơ cấu và đẩy mạnh xuất khẩu trong dịch bệnh. Theo đó, doanh nghiệp này và BRG Retail đã tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu và triển khai bán hàng đa kênh... Đồng thời, tăng tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Tại TH True Milk, doanh nghiệp chọn cách mở rộng các trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến tại An Giang, Quảng Ninh để có thể chủ động nguồn nguyên liệu và sản xuất sau dịch.

Theo khảo sát, đa số các doanh nghiệp đã tìm tới thương mại điện tử như là phương án tối ưu cho đầu ra sản phẩm. Nhờ vậy, số cửa hàng và đơn hàng trên các kênh tương mại điện tử đã tăng mạnh, có sàn còn tăng gấp đôi.

Tăng tốc chuyển đổi số

Thay đổi và thích ứng với Covid-19, doanh nghiệp đã kích khích xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Nhờ vậy, trong ngắn hạn và dài hạn, hiệu quả sản xuất, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt sẽ phát triển.

Chẳng hạn, Traphaco đã đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng robot trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence)… Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này đã tăng mạnh, đều đạt mức hai con số trở lên so với trước.

Tại Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) cũng cho biết, nhờ tự động hóa nhiều khâu mà năng suất lao động của Công ty được cải thiện vượt bậc.

Nếu như trước đây, một công nhân đứng chạy một máy thì nay có thể điều chỉnh ba máy một lúc. Hiện công ty này đã trang bị hệ thống máy cắt tự động, máy chạy vải tự động, máy may tự động, hệ thống in tự động…

Do đó, kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm của TNG ghi nhận doanh thu 2.966 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 113 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21,3% và 19,5% so với cùng kỳ 2020.

Ngành ngân hàng cũng ghi nhận sự chuyển đổi số mạnh mẽ. Quy định về tránh tiếp xúc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, các công nghệ hiện đại như e-KYC (mở tài khoản online), phát hành thẻ tín dụng và vay tín chấp trực tuyến... hiện đang được các ngân hàng tăng tốc ứng dụng và lôi kéo người dùng.

Doanh nghiệp đã kích khích xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cho biết, để thích ứng với Covid-19 và chủ trương Chuyển đổi số quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp, giúp làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trên 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số.

Theo Đời sống
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top