Nếu TP.HCM cho bán đồ ăn mang về, người dân sẽ vẫn ra đường

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, nếu TP.HCM cho mở nhà hàng, kể cả bán mang về, thì người dân vẫn ra đường mua, không khác gì nhiều so với tuần trước.

Với quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về. Giải pháp này ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ người dân nên cũng có những ý kiến trái chiều, người ủng hộ, người lo ngại.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho rằng việc TP.HCM cấm nhà hàng bán thức ăn mang về cũng giống với giai đoạn áp dụng giãn cách xã hội hơn một năm trước - khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam.

“Nếu bây giờ TP.HCM cho mở nhà hàng, kể cả bán mang về, thì người dân vẫn ra đường mua mang về, không khác gì nhiều so với tuần trước”, ông Hiếu nhận định. Theo ông, với quy định hiện nay, người dân thành phố vẫn có thể mua hàng ở những siêu thị hay địa điểm Nhà nước quy định với các giải pháp phòng, chống dịch tối đa.

Vị đại biểu này nhấn mạnh chúng ta nên thực hiện nghiêm giống như trước đây và làm thật quyết liệt, nếu không quyết liệt thì TP.HCM lại rơi vào tình trạng như hơn một tháng qua.

Ban thuc an mang ve co nguy co lay Covid-19 anh 1

Các chuyên gia nhận định hoạt động bán thức ăn mang về tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi quy định giãn cách không được đảm bảo. Ảnh: Thạch Thảo.

Ủng hộ quyết định này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), cho rằng đó là giải pháp cần thiết.

Dưới góc nhìn chuyên môn, ông đánh giá hoạt động mua thức ăn mang về có nguy cơ cao, nhất là khi tập trung đông người chờ mua nhưng chủ cơ sở không có biện pháp giải quyết.

“Khi tập trung quá đông để mua thức ăn mang về thì cũng giống như việc chen chúc chờ tiêm vaccine hay xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm, tức là đều tạo ra môi trường, nguy cơ lây nhiễm”, ông Khanh nói.

Theo ông, cấm hoạt động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, song nếu cho phép hoạt động thì rất khó kiểm soát vì sẽ có những nơi không tuân thủ.

Trong trường hợp buộc phải để loại hình này được hoạt động, ông Khanh góp ý cần quy định rõ hình thức xử phạt với nơi không tuân thủ giãn cách, ví dụ rút giấy phép kinh doanh, cấm kinh doanh vĩnh viễn. Với biện pháp mạnh như vậy các cơ sở mới tuân thủ giãn cách.

Đưa ra quan điểm về việc thực hiện giãn cách ở TP.HCM trong hơn một tháng qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng có 3 sự thất bại.

Một là yêu cầu người dân giãn cách nhưng lại để xảy ra tình trạng người dân ùn ùn đi tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm. Hai là giãn cách trong ngõ hẻm gần như không kiểm soát, chỉ dựng rào chắn và chặn đường bên ngoài, còn bên trong quản lý lỏng lẻo. Ba chính là lỗ hổng trong việc duy trì hoạt động bán thức ăn mang về.

Để giải quyết “sự thất bại” này, giúp người dân yên tâm giãn cách, ông Khanh nhấn mạnh chính quyền cần đảm bảo điều kiện tối thiểu về nhu cầu ăn uống cho người dân.

Muốn vậy phải phát huy trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, tới tận cấp tổ trưởng dân phố. Theo đó, cần hỗ trợ nguồn hàng và có những địa điểm để người dân dễ tiếp cận.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân TP.HCM thực hiện nghiêm quy định giãn cách để tránh lây nhiễm thêm trong 15 ngày tới.

Trước đó, chia sẻ về quyết định dừng bán thức ăn mang về, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn chứng đơn giản như một tiệm bánh mì khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách. Theo ông, không có quyết định nào toàn vẹn nên chính quyền mong mỗi người dân hy sinh một chút trong giai đoạn thành phố đang khó khăn.

 
 


\

     
     
     
     
   
Theo zingnews.vn
back to top