Nên có hay không một Sở Giao dịch vàng?

(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 24 được ban hành nhằm ngăn chặn những bất ổn trong thị trường vàng và đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong kinh tế. Đến nay, thị trường vàng đã ổn định. Nghị định 24 cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Làm giảm sức hấp dẫn của vàng

Ngày 03/04/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm 02 mục tiêu chính. Thứ nhất là tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai là nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Đồng thời, Nghị định 24 cũng công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quyền mua bán vàng miếng tại các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép. 

Sau hơn 8 năm triển khai Nghị định 24, đến nay thị trường vàng vẫn đang diễn biến tốt ngay cả khi giá vàng biến động mạnh và khó lường. Thị trường vàng được tổ chức, sắp xếp và đang diễn biến theo đúng mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

Những năm gần đây giá vàng miếng SJC trong nước thường thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 500 nghìn đồng/lượng. Tuy nhiên vào một vài thời điểm tháng 3/2020 và từ tháng 8/2020 đến nay, giá vàng trong nước thường cao hơn giá vàng thế giới hơn 2 - 3 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2020 thế giới phải hứng chịu nhiều tổn thất từ dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, giá vàng thế giới biến động mạnh, tăng giảm đột ngột khiến giá vàng trong nước điều chỉnh theo giá vàng thế giới nhưng tốc độ chậm hơn đặc biệt khi giá vàng quốc tế có xu hướng giảm trở lại.

Mặt khác, vàng miếng là mặt hàng Nhà nước không cấm nhưng không khuyến khích. Vì vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức nhất định cũng làm hạn chế nhu cầu nắm giữ vàng miếng trong nền kinh tế.

Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng trên thị trường duy trì ở mức thấp, giảm 75% so với năm 2013. Từ đầu tháng 11/2020 đến nay, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp, giảm 80% so với năm 2013 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Kể từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Thị trường vàng trong nước tự điều tiết. Nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác.

Theo đó, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm đáng kể. Nhờ vậy, đến nay một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền. Tình trạng ”vàng hóa” từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm thước đo giá trị, làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.

Đến lúc cần có một Sở giao dịch vàng

Theo nhiều chuyên gia tài chính, thời điểm năm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn. Tình trạng các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra. Trong bối cảnh đó, Nghị định 24 phù hợp và đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 8 năm triển khai, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng "găm" vàng trong dân. Hơn nữa, một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập quốc tế.

Kể từ cuối năm 2013, NHNN đã ngừng tổ chức đấu thầu vàng miếng. Trong khi đó, chỉ NHNN mới được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, nguồn cung vàng đang trở nên khan hiếm. Đặc biệt trong thời điểm giá vàng quốc tế tăng mạnh như thời gian vừa qua. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã kiến nghị lên NHNN xem xét sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh hiện tượng sốt giá vàng.

Tuy nhiên, thực tế trên thế giới không có ngân hàng trung ương nào sản xuất vàng. Đại diện của VGTA mong muốn, NHNN sẽ không sản xuất vàng miếng và cũng không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền. NHNN có thể cấp phép cho một số doanh nghiệp có đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo quy định hiện hành trong Luật NHNN Việt Nam, Pháp lệnh quản lý ngoại hối… NHNN là cơ quan quản lý, chứ không phải là một doanh nghiệp kinh doanh. Việc giao NHNN sản xuất thêm vàng miếng tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp. Vì bản chất của vàng miếng cũng là hàng hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một Sở giao dịch vàng quốc gia. Sở dĩ các sàn vàng trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với hoạt động này. Thời điểm đó, các sàn vàng “mạnh ai người nấy làm”, không có giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch vàng như các quốc gia khác trên thế giới.

Điều này dẫn tới tình trạng thao túng, làm giá ngoài sự giám sát, quản lý của cơ quan Nhà nước. Giao dịch vàng tập trung tại Sở Giao dịch vàng là xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới. Một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của Sở Giao dịch vàng là tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Như vậy sẽ tránh hiện tượng chênh lệch lớn về giá vàng như hiện nay, đồng thời có tính thanh khoản cao. Hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng phức tạp hiện nay sẽ được đẩy lùi.

Để hoạt động của Sở Giao dịch vàng phát huy tác dụng và không bị lợi dụng, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng, hạn mức giao dịch, tỷ lệ ký gửi, quy trình thanh toán bù trừ, điều kiện thành viên…

Theo Đời sống
Tai nghe Bluetooth 44.000 đồng, chưa dùng đã hỏng

Tai nghe Bluetooth 44.000 đồng, chưa dùng đã hỏng

Tai nghe Bluetooth là thiết bị công nghệ được sử dụng rộng rãi bởi sự tiện dụng và những tính năng tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt.
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top