Nâng mũi, bơm môi... bằng chất làm đầy, cẩn trọng khi tiêm văcxin Pfizer

(khoahocdoisong.vn) - Lô văcxin của Pfizer/BioNtech đầu tiên với khoảng 96.000 liều đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài sáng 7/7. Tuy nhiên, các chị em nâng mũi, độn cằm, chỉnh sửa làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy được khuyến cáo có nguy cơ phản ứng viêm chậm khi tiêm dòng văcxin này.

Theo đại diện Bộ Y tế, lô văcxin của Pfizer/BioNtech đầu tiên với khoảng 96.000 liều đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài sáng 7/7. Số văcxin này sẽ được chuyển về bảo quản tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Dự kiến, trong quý III năm nay sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV có khoảng 27 - 28 triệu liều văcxin Pfizer/BioNtech về Việt Nam. Kinh phí mua văcxin này từ nguồn ngân sách nhà nước.

Văcxin Pfizer được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt ngày 1/1, hiện được sử dụng ở 103 nước... Văcxin điều chế theo công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể. Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy hiệu quả bảo vệ 95,3%. Nghiên cứu công bố cuối tháng 6 vừa qua cho thấy, văcxin Pfizer có thể duy trì phản ứng miễn dịch chống lại nCoV trong nhiều năm. 

Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, những chị em thích làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy, phổ biến là HA (Hyaluronic Acid) nên cẩn thận với loại văcxin này. Thế giới đã có những báo cáo ca lâm sàng sau tiêm văcxin Covid-19, xuất hiện phản ứng viêm chậm (DIR) với chất làm đầy HA trước đó.

Một nghiên cứu mới đây đưa ra giả thuyết rằng văcxin mRNA sẽ có khả năng làm giảm sự chuyển đổi của angiotensin-II (ANGII) gây phản ứng viêm trong da. Khi mức ANGII tăng, sẽ kích thích phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch bằng cách kích hoạt CD8+ và TH1 tương ứng, dẫn đến phản ứng viêm chậm DIR.

Mặc dù chưa có bằng chứng phản ứng viêm chậm có mối liên qua giữa chất làm đầy HA và văcxin Covid-19, nhưng các báo cáo rải rác đã có bệnh nhân tiêm HA bị nổi cục, sẩn cứng, viêm sưng đỏ tấy, một số trường hợp phải can thiệp điều trị y tế.

Theo BS Trần Văn Phúc, những dấu hiệu siêu âm có thể gợi ý HA sẽ phản ứng viêm nếu tiêm văcxin, đó là tổn thương phù nề thâm nhiễm mỡ xung quanh các hạt HA, đặc biệt chú ý các tổn thương kín đáo. Các chị em đã tiêm filler loại HA trong 18 tháng, nếu sau khi tiêm văcxin Covid-19 mRNA xuất hiện sưng tấy, đổi màu da ở nơi đã tiêm HA, thì nên đi khám sớm để có phác đồ điều trị kịp thời, nhằm ngăn chặn phản ứng viêm muộn.

Để an toàn, các chuyên gia có khuyên nên đợi 3 tuần sau khi tiêm văcxin nếu muốn làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy HA. Số lượng HA cũng quan trọng với phản ứng viêm muộn, nên đã tiêm phòng Covid-19 thì nên giảm số lượng HA.

Cùng quan điểm, BS Trần Thiết Sơn, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các chị em có sử dụng các chất làm đầy nâng mũi, bơm môi, độn cằm, xóa nhăn... phải khai báo chi tiết khi tiêm văcxin. Chất làm đầy có rất nhiều loại, phần lớn được sản xuất từ protein động vật nên rất dễ dị ứng. HA từ các hãng lớn có độ tinh lọc cao hơn, nguy cơ dị ứng thấp hơn. Nhưng hiện trên thị trường rất nhiều loại chất làm đầy độ tinh khiết không cao, khả năng dị ứng rất lớn. Khi tiêm văcxin có thể gây dị ứng tại chỗ hoặc dị ứng toàn thân, lâu dài có thể phản ứng viêm với chất làm đầy. 

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top