Năm mới, cố đừng “thủng túi” vì chứng khoán

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2019 bắt đầu, với sự dè dặt của của nhà đầu tư chứng khoán, sau một năm 2018 đầy sóng gió.

Trước đó, phiên giao dịch cuối năm 2018 kết thúc, khi chỉ số lớn nhất thị trường - Vn-Index - mất mốc 900 điểm, chỉ còn 892,54 điểm, giảm 9,82% so với cuối năm 2017, giảm gần 26% so với mức đỉnh 1.204,33 điểm đạt được hồi tháng 4/2018. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng khép lại năm 2018 tại mức 104,23 điểm, giảm gần 11% so với cuối năm 2017.

Dự báo “đầy túi”

Năm 2017, Vn-Index đã tăng tới 48%, vượt xa mọi dự báo, đạt 984,24 điểm vào phiên giao dịch ngày 29/12/2017. Điều đó tạo hưng phấn cao độ với giới đầu tư. Bước vào năm 2018, dòng tiền đổ vào ào ạt đổ vào thị trường. Thời điểm quý I/2018, thanh khoản tăng mạnh, xuất hiện những phiên giao dịch đạt tới 10.000 tỷ đồng, kỳ vọng về thời “mua đâu lãi đó” chục năm trước quay lại với giới đầu tư.

Tâm lý của các “chứng sĩ” lại càng được củng cố, khi đa số “chuyên gia” dự báo thị trường có thể lên mức 1.400 điểm và hơn nữa ngay trong năm 2018. Và bản tin của các công ty chứng khoán ngập trong những thông tin lạc quan.

Chẳng hạn, bản tin nhận định thị trường của công ty chứng khoán MBS cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định với tốc độ đạt 6,81% trong năm 2017, kỳ vọng đạt 6,75% trong năm 2018… sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán. 2018 cũng là năm cao điểm với kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 64 DNNN và thoái vốn Nhà nước, tính cả số doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH trong năm 2017 là 70 đơn vị… MBS nhận xét, về định giá, thị trường chứng khoán Việt đã không còn rẻ. Nhưng khả năng tăng trưởng vẫn tiếp diễn, nhờ động lực về nguồn vốn dồi dào và thị trường đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng.

Hay có ý kiến nhận định của một chuyên gia, rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, và đây là cơ sở quan trọng cho kỳ vọng năm 2018 tràn sắc xanh của chỉ số Vn-Index. Thị trường chứng khoán là chỉ báo về niềm tin, sự kỳ vọng của giới đầu tư vào nền kinh tế. Vì vậy, môi trường vĩ mô ổn định và đang tích cực lên sẽ là động lực bền vững cho sự phát triển của thị trường. Việc cổ phần hóa và niêm yết của các công ty nhà nước hay nỗ lực tư nhân hóa dần các doanh nghiệp lớn đầu ngành sẽ tiếp tục là ngòi nổ cho sự phát triển của thị trường trong năm tới.

Đồng quan điểm, một chuyên gia khác nhận định “ không nên sợ hãi khi đầu tư vào chứng khoán năm 2018”, vì chỉ số Vn-Index có thể đạt tới 1.500 điểm, thậm chí 2.000 điểm nếu có nhiều yếu tố hỗ trợ.

Từ đây có thể hiểu được tại sao giới đầu tư lại tự tin “đu” mua, ngay cả khi hầu hết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã tăng đến mức bất thường. Nhà đầu tư lại càng tin tưởng vào các dự báo khi thị trường chứng khoán thăng hoa trong quý I/2018 từng bước vượt mức đỉnh lịch sử 1.170 điểm, thiết lập vùng đỉnh mới 1.204,33 điểm hồi đầu tháng 4/2018.

Thực tế “thủng túi”

Nhưng thực tế thị trường trong năm 2018 khác xa với dự báo. Thay vì tận hưởng niềm vui thắng lợi, nhà đầu tư chứng kiến diễn biến “đau thương” khi thị trường lao dốc không phanh. Trong sự hoảng loạn của nhà đầu tư, từ chỉ số tăng trưởng mạnh nhất thế giới, Vn-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất trong thời gian ngắn.

Thị trường lao dốc làm túi tiền đa số nhà đầu tư “âm nặng”, tâm lý u ám bao trùm thị trường, khi những người trót “đu” đỉnh bán bằng mọi giá, những người ham hố “bắt đáy” thì kẹt hàng. Mới hôm qua thôi, cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, bất động sản, chứng khoán… được săn đón như những “ngôi sao” của thị trường chứng khoán, nay bị bán tống bán tháo.

Tất nhiên, những nhận định, lý giải tiếp tục được đưa, giải thích cho sự lao dốc của thị trường có nguyên nhân từ ảnh hưởng của chứng khoán thế giới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, giá dầu. Thực tế là, có rất ít ý kiến nhìn từ “bên trong”, chịu thừa nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng quá nhanh, quá nóng, nhiều mã cổ phiếu đã tăng giá và không thể hiện “sức khỏe” thực sự của doanh nghiệp.

Trong cơn hoảng loạn, nhiều người đã tìm đến sản phẩm mới mang tên phái sinh bởi tính mới mẻ cũng như giao dịch linh hoạt. Tuy nhiên, trong 99% số tài khoản cá nhân trên thị trường phái sinh, thì chỉ có 5% nhà đầu tư có thể “kiếm ăn” được trên thị trường này, còn lại là thua lỗ.

Thị trường chứng khoán từng được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Do thế, thị trường chứng khoán diễn biến ngược chiều với sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế năm 2018 là điều ngoài quy luật thông thường, và càng không thể giải thích dự trên nền tảng các tác động từ bên ngoài.

Gác lại những thất vọng của năm cũ, nhà đầu tư bước sang năm mới 2019, vẫn với những dự báo lạc quan từ các chuyên gia. Cơ sở cho những lạc quan này là câu chuyện nâng hạng thị trường, Luật Chứng khoán (sửa đổi) với nhiều điểm mới làm tăng tính minh bạch của thị trường, hay nền kinh tế vĩ mô vẫn là yếu tố hỗ trợ tốt, mặt bằng giá chứng khoán đã rơi vào điểm hấp dẫn. Cũng xuất hiện những chiến lược đầu tư rất rõ ràng về những nhóm ngành cổ phiếu triển vọng có thể mang lại lợi nhuận cho giới đầu tư nhằm “sốc” lại tinh thần cho bộ phận này sau một năm đầy biến động.

Tuy nhiên, tâm lý hoang mang với những dự báo làm “thủng túi” nhà đầu tư vẫn hiện hữu. Một phần thể hiện qua thanh khoản thị trường trong tháng đầu tiên của năm 2019 tiếp tục xuống dốc, xuất hiện những phiên giao dịch có giá trị dưới 2.000 tỷ đồng. Lý giải cho vấn đề này, có ý kiến chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư đang… “dành tiền” cho những thương vụ thoái vốn đình đám diễn ra ngay quý I/2019. Nhưng thực tế, trong năm 2018, hoạt động thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa hồi - được kỳ vọng từ đầu năm – vẫn trì trệ, tiếp tục không đạt được kế hoạch về số lượng. Và chưa có gì hứa hẹn kế hoạch công tác này sẽ có kết quả khả quan.

Vấn đề là, sau thời gian tăng nóng, thị trường chứng khoán Việt vẫn đang trong thời gian điều chỉnh về giá trị thực. Và khi hệ thống chính sách điều chỉnh thị trường được hoàn thiện hơn, cộng với các kênh hút tiền lớn như bất động sản được “cầm cương”, thì thị trường chứng khoán mới có cơ may cân bằng trở lại. Tất nhiên, không nhà đầu tư nào chờ thị trường bình ổn để tham gia, nhưng để thị trường đầy cạm bẫy làm “thủng túi” nhà đầu tư, thì lại có một phần trách nhiệm của nhà quản lý điều tiết nền kinh tế.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top