PGS.TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho rằng, rác thải nhựa là hiểm họa mang tính toàn cầu đối với môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cũng như sinh kế của người dân. Theo Bộ TN&MT, nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Cũng theo Bộ TN&MT, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm. Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết rằng, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện KH&CN Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người ở Việt Nam cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người (1990) lên 41,3kg/năm/người (2018). Nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn. Tỷ lệ nhựa được tái chế: 27%. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 – 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 – 8%.
Theo dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Đến năm 2030, phấn đấu 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển. Giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...