Đó là nhìn nhận của PGS. TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT về cơ chế xử lý rác hiện nay.
Theo đó, chất thải rắn đô thị ngày càng lớn đang gây áp lực lớn lên môi trường sống khi phương pháp xử lý truyền thống đang bộc lộ nhiều bất cập. Ví dụ như việc xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp, ảnh hưởng đến quỹ đất có hạn, đồng thời gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước và môi trường không khí.
Hay việc vứt rác bừa bãi, công tác thu gom, phân loại rác vẫn chưa thực hiện tốt. Ông Chinh cho rằng nên phân loại rác ngay từ nguồn để có thể tận dụng những đồ có thể tái chế - những đồ mà đội ngũ nhặt rác tại bãi rác Nam Sơn vẫn đi nhặt về tái chế, tái sử dụng.
Ông Chinh cho biết, trước đây Hà Nội đã từng triển khai dự án 3R của Nhật để phân loại rác từ nguồn, tuy nhiên sau 3 năm dự án đã thất bại. Nguyên nhân là do hạ tầng chưa đồng bộ nên rác đã xử lý lại lẫn vào nhau.
Do đó, việc xử lý rác phải đồng bộ, từ khâu phân loại, đến thu gom và xử lý, "và xử lý rác, cần có sự tham gia của doanh nghiệp", ông Chinh nhìn nhận.
Muốn tư nhân đầu tư vào xử lý rác cần phải có lợi ích cho doanh nghiệp! Nhưng với phương thức thu phí rác thải hiện nay là thu theo đầu người đang gây ra sự mất cân bằng, không đủ lợi ích để doanh nghiệp tham gia.
Ông Chinh đề xuất, đã đến lúc, phải thay đổi việc quản lý rác thải đô thị theo cơ chế thị trường. Thu phí rác thải phải thu theo khối lượng. Ai xả rác nhiều, trả phí nhiều. Chi phí đó phải đủ cho việc xử lý.
Theo số liệu từ Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm, chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Tại một số đô thị, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị.