Muôn kiểu tiết kiệm điện của các nước trên thế giới

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, do những diễn biến bất thường của khí hậu và tình trạng bất ổn nguồn cung năng lượng, người dân được khuyến khích tiết kiệm điện càng nhiều càng tốt.

Nhật Bản

Giữa tháng 7/2022, người dân Nhật Bản phải đối diện với tình trạng nắng nóng chưa từng thấy trong hơn 100 năm, khiến hơn 5.000 người phải nhập viện vì sốc nhiệt. Thời điểm đó, cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu người dân Nhật phải thực hiện tiết kiệm điện để tránh tình trạng quá tải do người dân sử dụng các thiết bị làm mát.

Cụ thể, doanh nghiệp và hộ gia đình phải giảm mức sử dụng điện vào khoảng từ 3-6 giờ chiều. Công chức phải làm việc trong các căn phòng lấy ánh sáng tự nhiên, không được sử dụng bóng đèn chiếu sáng. Tại các siêu thị, đèn trong tủ đông bị cấm sử dụng. Thiết bị điện tại các cửa hàng đồ gia dụng được yêu cầu ngừng sử dụng.

Trung Quốc

Mùa hè năm 2022, trước tình trạng thiếu điện do hạn hán, các thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm điện. Ví dụ, ở Thành Đô không được giữ máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp trên cả tàu điện lẫn nhà ga. Ngoài ra, cường độ đèn chiếu sáng nơi công cộng phải giảm. Các biển quảng cáo trên tàu điện ngầm và ngoài trời cũng ngừng hoạt động.

Các thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm điện. Ảnh: Ruptly.

Các thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm điện. Ảnh: Ruptly.

UAE

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là nước nằm ở khu vực Trung Đông, có khí hậu khắc nghiệt (mùa hè rất nóng) và là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ điện năng vào loại cao nhất thế giới. Cơ quan quản lý điện lực nước này đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, quốc gia này thường xuyên tuyên truyền về “mẹo” tiết kiệm điện như, sử dụng điều hòa ở mức ít nhất 25oC, chuyển sang sử dụng bóng đèn LED... trên phương tiện thông tin đại chúng, qua internet... Nhờ trợ giá của chính quyền, người sử dụng có thể mua bóng đèn LED với giá thấp hơn 25% so với giá bán thông thường. Ngoài ra, cơ quan quản lý điện lực cũng thực hiện nhiều chương trình giúp người tiêu dùng kiểm soát việc sử dụng điện hiệu quả như: Dịch vụ sáng tạo ứng dụng công nghệ mới, phát triển bền vững…

Indonesia

Từ năm 2016, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia đã khởi xướng phong trào “Tiết kiệm 10% năng lượng điện”, kêu gọi những hành động thiết thực, hướng đến các đối tượng như chủ yếu như, cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mỗi cá nhân. Theo đó, mỗi hộ gia đình chỉ cần tiết kiệm 10% lượng điện tiêu thụ, sẽ tương đương với việc xây được 1 nhà máy điện công suất khoảng 900 MW và có thể cung cấp điện cho khoảng 2,5 triệu hộ gia đình (10 triệu người).

Chính phủ Indonesia kêu gọi người dân giảm thiết bị điện và sử dụng điện tiết kiệm với khẩu hiệu “Dùng xong là tắt”. Công sở, trung tâm thương mại, điểm vui chơi công cộng cũng được quán triệt chủ trương tiết kiệm điện, sử dụng tối đa bóng đèn LED.

Đức

Tháng 9/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông qua loạt biện pháp nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng trong mùa thu và mùa đông. Các biện pháp được thực hiện trên toàn quốc bao gồm: Cấm sử dụng nước nóng trong bể bơi tư nhân; tắt hệ thống sưởi ở một số khu vực trong các toà nhà công cộng; cấm bật thiết bị chiếu sáng bên ngoài ở các toà nhà và tượng đài; tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà công cộng và tư nhân.

Nhiều thành phố của Đức hạn chế việc chiếu sáng công cộng. Ảnh: DW.

Nhiều thành phố của Đức hạn chế việc chiếu sáng công cộng. Ảnh: DW.

Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2024 so với năm 2019. Chính quyền của ông thành lập nhóm theo dõi các hoạt động của chính phủ, bất động sản, công nghệ, viễn thông, trung tâm mua sắm và địa điểm công cộng khác và đưa ra một số sáng kiến. Ví dụ, chuỗi siêu thị của Pháp tắt các biển hiệu sau khi đóng cửa, cửa hàng bán lẻ giảm cường độ ánh sáng 30% và hạ nhiệt độ xuống 17 độ C trong giờ mua sắm cao điểm khi có yêu cầu từ chính phủ.

Bộ Tài chính của Pháp cho biết, họ chỉ bật hệ thống sưởi khi nhiệt độ phòng giảm xuống dưới 19 độ C và không bật hệ thống làm mát trừ khi nhiệt độ vượt 26 độ C.

Tây Ban Nha

Các nhà lập pháp Tây Ban Nha đã thông qua quy tắc được đưa ra bằng sắc lệnh hồi đầu tháng 8/2022 để giảm mức tiêu thụ năng lượng. Những quy tắc mới bao gồm: toà nhà công cộng và hầu hết cơ sở kinh doanh, sân bay và ga tàu chỉ bật điều hoà ở mức 27 độ C; chỉ bật hệ thống sưởi khi nhiệt độ dưới 19 độ C vào mùa đông, các trường hợp ngoại lệ gồm khách sạn, bếp nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng gym, trường học và bệnh viện; ngừng chiếu sáng ở tượng đài; cửa hàng phải đóng cửa khi bật hệ thống làm mát hoặc sưởi.

Đan Mạch

Cơ quan chức năng Đan Mạch đã đưa ra nhiều đề xuất tiết kiệm điện, bao gồm: giảm tắm nước nóng từ 15 phút xuống 5 phút, sử dụng dây phơi quần áo thay cho máy sấy, sử dụng các thiết bị như máy rửa bát vào ban đêm để tận dụng điện giá thấp hơn. Những biện pháp này được cho là giúp các gia đình tiết kiệm trên 1.000 USD mỗi năm.

Theo Đời sống
Bí ẩn "tam giác quỷ" Alaska

Bí ẩn "tam giác quỷ" Alaska

Gây nên hàng loạt vụ mất tích của hàng chục nghìn người mà không để lại dấu vết nào, vùng tam giác Alaska còn bí ẩn và đáng sợ hơn tam giác quỷ Bermuda.
Khám phá nơi chôn cất hoàng đế Napoleon

Khám phá nơi chôn cất hoàng đế Napoleon

Sau khi Napoleon mất, thi hài của ông được Vua Louis-Philippe chuyển tới điện Invalides (Paris, Pháp) năm 1840. Mộ của vị hoàng đế nổi tiếng được làm bằng đá hoa cương, hình yên ngựa cách điệu.
back to top