Theo báo cáo tài chính riêng ngân hàng, lợi nhuận ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của MSB đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập lãi thuần tăng 66%. Các hoạt động phi tín dụng tăng mạnh, trong đó kinh doanh ngoại hối tăng 108%, mua bán chứng khoán đầu tư tăng 681%.
Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 941 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2019, giúp MSB đạt được 65% kế hoạch đề ra.
Tổng tài sản của MSB tính đến 30/6/2020 đạt 164.864 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Mức tăng này đến từ tài sản chứng khoán đầu tư và cho vay khách hàng.
Cho vay khách hàng của MSB trong 6 tháng tăng trưởng 10,3%. Tỷ lệ thuận với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu của MSB cũng tăng 21% so với đầu năm, ghi nhận 1.525 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 1.036 tỷ đồng, tăng 6,8%. Các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng lần lượt tăng 76% (tương ứng tăng 110 tỷ đồng) và 40% (tương ứng tăng 67 tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ của MSB là 2,2%. Nợ xấu ngoại bảng tại VAMC của MSB cũng đang ghi nhận con số 1.185 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 260 tỷ đồng. Nếu tính gộp cả phần bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của MSB sẽ là 3,9%.
Tỷ lệ tài sản có sinh lãi trên tổng tài sản của MSB trong nhiều năm nay luôn ở mức 85% và hầu như không có biến động. Thường tài sản có sinh lãi thường chiếm trên 90% tổng tài sản (SHB: 91%, HDB 94%, Eximbank 95%).
Trong tài sản có khác của MSB, mục tài sản nhận gán nợ là 4.369 tỷ đồng. Đây chính là tài sản đảm bảo của khách hàng để vay nợ. Trong đó, những tài sản đảm bảo có giá trị như bất động sản chỉ chiếm một phần nhỏ với 5 tỷ đồng, cổ phiếu là 374 tỷ đồng. Những tài sản khác là 3.990 tỷ đồng. MSB không nói rõ, số tài sản khác để gán nợ gần 4.000 tỷ là những gì, nhưng con số này nằm trong ngân hàng từ khá lâu và không ngừng tăng lên. Số tài sản này nếu không được thanh lý để thu hồi nợ, sẽ biến thành “tài sản chết”, chỉ làm đẹp bảng cân đối tài sản, chứ không mang lại giá trị gì cho ngân hàng.
Được biết, trong số tài sản gán nợ của MSB có hơn 20 tàu biển của Công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II (thuộc Ngân hàng Agribank). ALC II đã tuyên bố phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ. Trong các báo cáo tài chính công bố gần đây, MSB không cho biết tổng dư nợ tàu biển các công ty trên hiện còn lại bao nhiêu, đã xử lý thu hồi được mấy phần…? Số tàu biển gán nợ đó liệu có thể đủ điều kiện thanh lý sau gần chục năm?