Món ăn trị ngứa mùa đông

(khoahocdoisong.vn) - Mùa đông, khi gió lạnh nhiều người bị mề đay, mẩn ngứa rất khó chịu, việc điều trị cũng không dễ, vì đây là dị ứng. Ngoài việc kiêng gió lạnh, kiêng nước, nên chế các món ăn có tác dụng trị bệnh.

Y học cổ truyền gọi bệnh mề đay là phong chẩn khối. Nguyên nhân do phong hàn, phong nhiệt hoặc các nhân tố khác như thức ăn, thuốc, ký sinh trùng làm xuất hiện ở da những nốt ban, ngứa, đỏ da hoặc phù tại chỗ. Ngoài việc kiêng gió lạnh, kiêng nước, người bị bệnh dị ứng, mề đay, sẩn ngứa phải tuân thủ theo chế độ ăn như sau:

Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên. Kiêng những thức ăn gây kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt. Trường hợp đang phù nề, rịn nước thì giảm thức ăn có nhiều nước như canh, súp, uống ít nước. Kiêng những thức ăn có nhiều đạm như tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp sườn, chocolate, trứng, sữa…

Nên ăn chế độ có nhiều vitamin A, B, C, ăn các thức dễ tiêu, có tác dụng chống táo bón như cà chua, cam, chanh, khoai lang, mướp đắng…Đối với trẻ em, cần ăn chế độ giảm đường, sữa đặc, lòng trắng trứng…Ngoài việc điều trị bằng thuốc và kiêng kỵ, người bị dị ứng mẩn ngứa nên sử dụng các món ăn  sau theo biểu hiện bệnh.

Tỳ bà hấp đường phèn: Tỳ bà diệp 250g rửa sạch, thái vụn, giã nát vắt lấy nước, đem hấp cách thủy cùng một lượng đường phèn vừa đủ trong 20 phút, chia uống vài lần trong ngày. Dùng cho những trường hợp mày đay nổi cục đỏ ngứa.

Sườn lợn hầm hải đới: Xương sườn lợn 100g rửa sạch, chặt nhỏ, đổ nước vừa đủ, đun sôi, vớt sạch bọt nổi rồi cho thêm 50g hải đới và 30g thổ phục linh ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm thức ăn hàng ngày, 10 ngày là một liệu trình. Dùng cho những trường hợp mày đay mạn tính.

Cháo sơn tra: Sơn tra 10g, trúc diệp 10g, mạch nha 15g, cam thảo 5g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi ninh cùng 50g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày.

Cháo đậu xanh ve sầu: Xác ve sầu 10 con, sắc trong 10 phút, bỏ bã lấy nước ninh với đậu xanh 30g và gạo tẻ 50g thành cháo loãng rồi cho thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.

 Chè khoai môn: Khoai môn lượng vừa đủ, cạo sạch, thái miếng rồi đem hầm nhừ, cho thêm muối hoặc đường chia ăn nhiều lần. Dùng cho trẻ em bị mày đay do dị ứng thức ăn.

 Cháo đậu xanh: Đậu xanh 30g, bách hợp 30g, thảo quyết minh 10g. Đem thảo quyết minh sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho đậu xanh và bách hợp vào ninh nhừ thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.

Rắn hầm: Ô tiêu xà (rắn sọc đen) 1 con nặng chừng 250g, thiên ma 9g. Làm thịt rắn, lột da, bỏ đầu và nội tạng, rửa sạch, chặt khúc, tẩm ướp hành gừng và một chút rượu rồi đem hầm chín; thiên ma ngâm nước ấm trong 30 phút, thái chỉ rồi cho vào ninh cùng ô tiêu xà, khi chín chế thêm gia vị chia ăn vài lần.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top