Mối nguy công nghệ đến sự phát triển của trẻ

Hình ảnh những ông bố bà mẹ vừa bế con, vừa cho ăn uống; vừa cắm đầu vào những chiếc điện thoại; hình ảnh những em bé mới 2 – 3 tuổi đã biết bật, tắt các chức năng điện thoại, 4 – 5 tuổi đã lướt mạng, chơi game đã không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc cả bố mẹ và trẻ nhỏ cùng mê mệt bởi các thiết bị công nghệ tiềm ẩn những mối nguy hại cho trẻ.

Vừa cho con ăn vừa lướt mạng

Ngày nay, hình ảnh những ông bố, bà mẹ hiện đại vừa trông con, chăm con vừa mải mê với các thiết bị công nghệ không còn xa lạ, thậm chí nhiều ông bố bà mẹ còn nghiện iPhone, iPad đến mức quên mất cả sự hiện diện của con.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tre-em-cong-gnhe-300x200.jpg

Hình ảnh những em bé mới 2 – 3 tuổi đã biết bật, tắt các chức năng điện thoại, 6 – 7 tuổi đã lướt mạng, chơi game đã không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại. 

Bà Nguyễn Hồng Vân (Tu Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, cả con trai và con dâu bà đều thuộc diện nghiện các đồ công nghệ cao. Bà kể, lúc nào trên tay các con bà cũng có chiếc điện thoại, con trai thì dùng điện thoại để chơi game, con dâu thì dùng điện thoại để lướt web, chat với bạn bè. Vì mải mê với các thiết bị này nên đứa cháu nhỏ mới hơn 2 tuổi đều để mặc cho bà nội và bà giúp việc cáng đáng.

Nhiều khi bà bận đưa cháu cho các con trông thì cả vợ lẫn chồng liền bật ngay kênh hoạt hình hoặc đưa cho con một thiết bị điện tử nào đó để chơi và không làm phiền bố chơi game, mẹ lướt web. “Nhiều khi bước vào phòng thấy con trai thì nằm một góc chơi game, con dâu nằm một góc lướt web đọc tin tức còn đứa cháu thì ngồi trong một góc “tí toáy” với các iPad của mẹ là tôi thấy nẫu hết cả ruột”, bà Vân chia sẻ.

ThS Trần Mạnh Hoàng, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, câu chuyện của bà Vân không phải là cá biệt trong cuộc sống ngày nay. Mạng xã hội, tin nhắn, trò chơi điện tử… đã lấy mất rất nhiều thời gian của những ông bố bà mẹ trẻ khiến họ không còn thời gian để quan tâm và chăm sóc con cái.

Nhiều ông bố, bà mẹ không có thời gian nói chuyện với con, chơi với con, dạy con học, đọc truyện cho con nghe, nhưng lại có rất nhiều thời gian cho những lần lướt web, cho những cuộc điện thoại tán gẫu với bạn bè…

Bế cô con gái nhỏ trên tay, chị Vân nựng yêu con với những câu hỏi đáp quen thuộc: “Bông yêu ai nhất?” – “Yêu mẹ nhất” – “Mẹ yêu ai nhất?”… cô con gái chưa kịp trả lời mẹ thì cậu con trai lớn vội đáp thay em: “Mẹ yêu iPad nhất” (Một câu chuyện buổi tối của mẹ con chị Nguyễn Thanh Vân – CT4 Trung Văn, Hà Nội).

2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng

Việc bố mẹ nghiện công nghệ đã đành, ngày nay, các ông bố bà mẹ hiện đại còn mắc sai lầm khi để trẻ tiếp xúc và nghiện các thiết bị điện tử từ rất sớm.

TS Fran Walfish, chuyên gia trị liệu tâm lý trẻ em và gia đình ở Los Angeles (Mỹ) cho hay, cứ 10 vị phụ huynh thì có 7 người cho con dùng máy tính bảng hoặc các thiết bị công nghệ. “Chúng tôi thấy có nhiều trẻ mới 2 tuổi đã chơi máy tính bảng và rất nhiều trẻ chỉ mới 3 – 4 tuổi mà đã nghiện”.

Tương tự, một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Lowa đã phát hiện có 90% trẻ mới lên 2 đã biết dùng máy tính bảng.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/me-cong-nghe-300x200.jpg

Các ông bố bà mẹ hiện đại mắc sai lầm khi để trẻ tiếp xúc và nghiện các thiết bị điện tử từ rất sớm.

Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, hầu hết các cha mẹ cho trẻ nhỏ sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng, xem tivi… ban đầu chỉ với mục đích dỗ cho con ăn hay để con ngoan, trật tự, không mè nheo, không làm phiền đến người lớn.

Tuy nhiên, khi thấy con thích thú tìm hiểu, khám phá các ứng dụng trên thiết bị nhiều bậc phụ huynh lại lầm tưởng con thông minh nên càng khuyến khích hơn, tạo điều kiện để con tự do “đắm chìm” trong thế giới công nghệ. Hơn nữa, hầu hết với mọi trẻ em, các thiết bị công nghệ có sức hấp dẫn vô cùng lớn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra âm thanh, màu sắc, hình ảnh sống động của các trò chơi, các ứng dụng, hay các video clips được tải về trên thiết bị điện tử thường có sức hấp dẫn đặc biệt với sự tò mò của trẻ, khiến trẻ thích thú, say mê khám phá và học rất nhanh. Điều đáng nói từ sự say mê đó, trẻ nhỏ bắt đầu nghiện. Và những hệ lụy bắt đầu từ đó…

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top