72% trẻ được chăm sóc sau sinh trong tuần đầu
TS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em cho biết, những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em/sức khỏe sinh sản đã được quan tâm, đầu tư từ nguồn lực nhà nước thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Tuy nhiên, nhiều nội dung quan trọng như dự phòng, kiểm soát ung thư đường sinh sản, sàng lọc phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ cha mẹ sang con, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên, sức khỏe sinh sản nam giới… vẫn chưa có được cơ chế và nguồn lực tài chính ổn định để thực hiện.
Tình hình thực hiện các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh: Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh vẫn luôn duy trì ở mức cao trên bình diện toàn quốc. Số liệu 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy trên 87.67% số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén; gần 96% cuộc đẻ có cán bộ y tế có kỹ năng đỡ. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong tuần đầu duy trì ở mức trên 72%.
Tư vấn chăm sóc trẻ sơ sinh cho bà mẹ mang thai tại Hòa Bình - Ảnh: Thúy Nga |
Công tác chăm sóc sơ sinh và trẻ em: Theo con số ước tính mới nhất của Liên hiệp quốc, tỷ suất TVSS ở Việt Nam năm 2021 là 9,96‰, thấp hơn số ước tính cho các nước khu vực Đông Nam Á (12‰). Tuy nhiên tốc độ giảm khá chậm so với năm 2015 (11,73‰) và với tỷ suất tử vong hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn có tới khoảng 15.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày đầu đời.
Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống như ở các nước đang phát triển khác, chủ yếu vẫn là ngạt, đẻ non/nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật và nhiễm khuẩn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.
Tử vong trẻ <5 tuổi và <1 tuổi đã giảm tương ứng từ 22,1‰ và 14,7‰ (2015) xuống 18,2‰ và 11,6‰ năm 2023, tuy nhiên với tốc độ giảm khá chậm trong 5 năm gần đây, chúng ta đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, hiệu quả.
Công tác dự phòng và sàng lọc đái tháo đường thai kỳ: Can thiệp dự phòng và sàng lọc đái tháo đường thai kỳ bắt đầu được triển khai rộng rãi từ năm 2020. Cho đến hiện tại, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em đã đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn cho 30 tỉnh, mỗi tỉnh 2 giảng viên.
Chỉ số về xét nghiệm đường huyết ở phụ nữ mang thai bắt đầu được thu thập trong khuôn khổ báo cáo thống kê định kỳ về chăm sóc sức khỏe sinh sản từ năm 2020.
Theo số liệu thu thập được, tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm đường huyết có sự cải thiện khá nhanh từ 27,2% năm 2020 lên trên 68% (9 tháng năm 2024). Tuy nhiên, do hạn chế của biểu mẫu báo cáo, chưa xác định được đây là tỷ lệ được xét nghiệm trong khi mang thai hay trong chuyển dạ, cũng như chưa thu thập được số liệu về tỷ lệ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và tỷ lệ được điều trị.
Công tác phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em: Các hoạt động phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em được triển khai lồng ghép trong Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”; các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 (CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG giảm nghèo bền vững; CTMTQG phát triển nông thôn mới).
Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM): Hoạt động khuyến khích và thúc đẩy việc NCBSM tiếp tục được lồng ghép trong công tác chăm sóc trước, trong và sau khi sinh, chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em tiếp tục hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện “Bệnh viện thực hành NCBSM xuất sắc” và Ngân hàng sữa mẹ.
Việc triển khai “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” đã thúc đẩy các bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về hỗ trợ NCBSM, chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC) và chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng bằng phương pháp Kangaroo (KMC).
Các ngân hàng sữa mẹ đã hỗ trợ sữa mẹ dùng chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn trẻ sơ sinh mỗi năm, chủ yếu là sơ sinh nhẹ cân, non tháng và bệnh lý. Việc triển khai Ngân hàng sữa mẹ cũng sẽ giúp giảm số trẻ sơ sinh phải nằm tại khu vực điều trị tích cực, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ.
Cán bộ y tế tư vấn cho bà mẹ mang thai - Ảnh: Thúy Nga |
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi còn cao
Theo TS Đinh Tuấn Anh, tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em có xu hướng chậm lại. Tuy tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam đã khá thấp nhưng các chỉ số này ở khu vực miền núi vẫn còn cao gấp 2-3 lần so với đồng bằng.
Tử vong sơ sinh vẫn còn chiếm tới 2/3 trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 1/2 trong số tử vong dưới 5 tuổi và xu hướng giảm chưa rõ ràng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi còn cao, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ cao trên 30%.
Ở các khu vực đô thị, tình trạng trẻ thừa cân/béo phì có xu hướng tăng nhanh và tiếp tục là thách thức không nhỏ trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em.
Đặc biệt lo ngại là xu hướng thay đổi mô hình bệnh tật, tử vong. Kết quả từ đánh giá công tác giám sát tử vong mẹ và đáp ứng năm 2016-2018 cho thấy các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ vẫn là băng huyết, tắc mạch ối, tiền sản giật-sản giật và nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên tử vong mẹ do nguyên nhân trực tiếp đã giảm đi (còn 53% trong tổng số tử vong ẹm, so với 65,7% ở năm 2015 ) - một phần có thể do năng lực cấp cứu sản khoa đã được cải thiện. Tử vong mẹ do nguyên nhân gián tiếp chiếm tới 40%. Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ theo một số nghiên cứu ở cấp độ bệnh viện có thể lên tới 20% tổng số phụ nữ mang thai.
Đối với trẻ sơ sinh, các nguyên nhân tử vong chính vẫn là sinh non/nhẹ cân, dị tật, ngạt, nhiễm khuẩn. Tình trạng thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở trẻ em.
Một số nghiên cứu ở học sinh tiểu học của Hà Nội/TP HCM cho thấy tỷ lệ thừa cân/béo phì cao trên 40%. Tình trạng thiếu hụt vi chất ở phụ nữ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao, đặc biệt là thiếu máu thiếu sắt, thiếu Vitamin A huyết thanh, thiếu kẽm, canxi được cải thiện chậm và tiếp tục là những thách thức không nhỏ trong việc cải thiện tầm vóc, thể lực của người dân.