Tết Trung thu còn được gọi là tết đoàn viên, mọi người trong gia đình quây quần, chia nhau phần bánh trung thu với mong muốn về sự đoàn tụ. Bánh trung thu có bánh nướng và bánh dẻo. Hai loại này lại có nhiều kiểu nhân khác nhau như nhân ngũ cốc, hạt sen, trứng muối, thập cẩm,... Dù vậy, đặc điểm chung của chúng là nhiều tinh bột, đường và chất béo. (Ảnh: SH, minh họa)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn của người trưởng thành nên nạp khoảng 2.000 calo/ngày. Vậy nhưng, một chiếc bánh trung thu có thể chiếm nửa lượng calo cần thiết.
Ước tính, một chiếc bánh nướng nhân thập cẩm có lượng đường, calo tương đương 2 bát tô mì và 2 quả trứng. Người tiểu đường ăn vào cần chạy 15km mới có thể tiêu thụ hết chỗ năng lượng nạp vào.
Với lượng đường khổng lồ, ăn bánh trung thu sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vậy nhưng, không ăn bánh lại cảm giác mất hương vị ngày tết. Xuất phát từ sự quan tâm này, nhiều hãng cho ra mắt sản phẩm bánh trung thu “không đường”. Trang Sohu của Trung Quốc khuyên không nên quá tin vào quảng cáo. “Bánh trung thu không đường” vẫn có thể chứa đường fructose. Bên cạnh đó, tinh bột trong bánh cũng nhanh chóng chuyển hóa thành glucose, khiến lượng đường trong máu tăng.
Để ăn bánh trung thu không hại sức khỏe, bạn nên làm bánh, điều chỉnh thành phần sao cho lượng đường, chất béo và calo không quá cao. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cách ăn bánh trung thu có lợi dưới đây.
Thưởng thức bánh, bạn nên ăn từng miếng nhỏ. Mỗi lần chỉ ăn 1 phần bánh (bánh chia làm 4 phần), nhai kỹ. Để không dư thừa calo, bạn nên tính toán giảm lượng thực phẩm nạp vào, đảm bảo tổng lượng calo nạp trong ngày không quá cao.
Không nên ăn bánh trung thu khi bụng đói hoặc ăn buổi tối. Ăn bánh khi đói sẽ khiến lượng đường trong máu tăng nhanh, dễ kích thích và tăng tiết axit dạ dày, gây trào ngược axit. Trong khi đó, ăn bánh về đêm sẽ khiến cơ thể bị kích thích, khả năng tiêu hóa thời điểm này cũng yếu hơn, dễ làm tăng gánh nặng cho lá lách và dạ dày.
Thời điểm ăn bánh trung thu tốt nhất là 2 giờ sau ăn sáng. Lúc này, cơ thể không quá no hay quá đói. Khả năng vận chuyển và chuyển hóa của lá lách và dạ dày cũng mạnh nhất.
Bánh trung thu nên kết hợp với trà và trái cây. Cụ thể, sau khi ăn bánh, tốt nhất nên uống một chút trà vừa có tác dụng giải khát, giảm nhớt máu, vừa hỗ trợ tiêu hóa và tăng vị giác. Tùy từng nguyên liệu, trà sẽ mang lại lợi ích sức khỏe khác nhau. Chẳng hạn, Đông y cho rằng trà hoa cúc có vị ngọt, đắng, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sáng mắt.
Trà xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giảm hỏa, cải thiện thị lực, tiêu ẩm. Tuy nhiên, trà xanh không thích hợp với người tỳ vị hư hàn, người tỳ bụng nóng ẩm. Trà đen cũng mang lại tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tăng cường lá lách, có lợi cho hệ tiêu hóa.
Kết hợp bánh trung thu với trái cây giúp tận dụng chất xơ, pectin và axit hữu cơ trong trái cây để thúc đẩy tiêu hóa. Trong số đó, bưởi tính mát, giảm nóng rất thích hợp dùng trong dịp Trung thu. Bưởi có tác dụng làm giảm nhớt máu; chứa thành phần bắt chước insulin, có tác dụng hạ đường huyết ở mức độ nhất định.
Mận là trái cây phù hợp ăn cùng bánh trung thu. Chúng chứa lượng đường huyết rất thấp, có thể sinh nước, giải khát. Chất axit có tác dụng thúc đẩy hệ tiêu hóa, giảm mệt mỏi, khó tiêu, béo phì do tích trữ thức ăn. Bên cạnh đó, là loại quả ít đường, có tác dụng kích thích các tế bào mô tiết insulin. Nó cũng chứa chất có vai trò hỗ trợ hạ đường huyết.
Ngoài ra, tập luyện hợp lý cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tập thể dục có thể đốt cháy lượng calo dư thừa, rất hữu ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Bắt đầu tập thể dục sau khi ăn bánh trung thu 1 giờ, mỗi lần 20-40 phút, các phương pháp tập thể dục bao gồm leo cầu thang, thể dục nhịp điệu, chạy bộ, đi bộ,…