Quay lại thời kỳ không có kháng sinh
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM khuyến cáo, kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng vẫn là vấn đề nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
Lạm dụng kháng sinh đang "giúp" các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc. Ảnh minh họa |
Kháng thuốc (AMR) là tình trạng các vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh. Sinh vật đề kháng có thể chịu được và không bị tiêu diệt bởi các thuốc chống vi sinh vật như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét… làm nhiễm khuẩn kéo dài (thậm chí gây tử vong) và có thể lây lan cho người khác. AMR là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn.
Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau. Do đó việc tăng cường sự hiểu biết để chung tay bảo toàn các thuốc kháng sinh, sử dụng hợp lý là hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Kháng sinh trong nông nghiệp ảnh hướng đến sức khỏe nhân loại
Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh liều thấp, dưới ngưỡng điều trị trong thức ăn chăn nuôi cho mục tiêu tăng trọng, phi điều trị cho đàn vật nuôi đã được khuyến cáo phải dừng vì tác động của chúng đến sự kháng thuốc.
Theo PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU, lợi ích kinh tế từ việc dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng trong chăn nuôi không thỏa đáng so với tác hại chắc chắn mang đến cho ngành y tế. Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã có lộ trình cho việc dừng và cấm sử dụng kháng sinh liều thấp trong thức ăn vì mục tiêu tăng trưởng.
Lợi ích kinh tế từ việc dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng trong chăn nuôi không thỏa đáng so với tác hại chắc chắn mang đến cho ngành y tế. (Ảnh minh họa) |
“Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu chúng ta không thay đổi cách dùng kháng sinh trong chăn nuôi và cùng với sự phát triển chăn nuôi, trong 10 năm nữa Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lượng sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp đến 157% so với lượng kháng sinh dùng cho nông nghiệp năm 2020. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi có liên quan đến sự lưu hành của chủng E. Coli đa kháng thuốc trong các hộ và trại nuôi gà”, PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa cho biết.
Trong một khảo sát của OUCRU trên 204 trại gà, colistin là kháng sinh sử dụng phổ biến thứ 3 và được sử dụng trong 40/204 trại khảo sát. Khảo sát vi sinh trong mẫu phân gà, khoảng 40% trại gà có mẫu phân gà mang vi sinh kháng colistin. Đối với mẫu phân người, dù không có sử dụng kháng sinh colistin trên người trong cộng đồng, nghiên cứu đã thấy có sự hiện diện của vi sinh gram âm kháng colistin trong 25% nông dân, 17% người dân không chăn nuôi sống ở vùng có chăn nuôi (nông thôn) và trên 9% người không chăn nuôi và sống ở thành phố. Ngoài ra, khi khảo sát trong nhóm nông dân có trại gà dương tính với vi sinh kháng colistin, có đến 33% người mang vi sinh kháng colistin.
PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa khuyến cáo, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc dùng kháng sinh không có toa trong chăn nuôi, cần tuân thủ các quy định hiện hành trong việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi để góp phần làm giảm đi tác động của việc phát triển tính kháng thuốc trong chuỗi cung cấp thực phẩm hiện nay.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM vừa tổ chức buổi hội thảo “Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại TPHCM”. Hội thảo lan tỏa thông tin về đề kháng kháng sinh, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tuân thủ khi sử dụng kháng sinh trong quản lý các bệnh nhiễm khuẩn nhằm hưởng ứng “Tuần lễ nâng cao nhận thức kháng sinh toàn cầu” từ 18 - 24/11/2020 của WHO.