Mạng lưới Đông y mạo danh VTV, các viện nghiên cứu lừa đảo người tiêu dùng

(khoahocdoisong.vn) - Với thủ đoạn cắt, ghép các bản tin của VTV liên quan lĩnh vực y học, mạo danh Viện Y học Bản địa Việt Nam để tung các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, mạng lưới Đông y lừa đảo đã khiến nhiều người “sập bẫy”.

Công khai lừa đảo

Thời gian gần đây, nhiều người được tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến các thầy thuốc, thầy lang chuyên chữa bệnh bằng phương pháp Đông Y. Thông tin quảng cáo thường sử dụng hình ảnh, clip các bản tin của Đài truyền hình Việt Nam VTV sau đó cắt ghép, trộn thông tin sản phẩm vào nội dung để lừa đảo người tiêu dùng. 

Chưa dừng lại ở đó, mạng lưới Đông y lừa đảo này còn “vẽ” ra tên các Viện Y học không có trong thực tế và mạo danh các viện nghiên cứu uy tín để “giăng bẫy” khách hàng.

Điểm chung của tất cả các quảng cáo lừa đảo này là sử dụng hình ảnh của VTV cắt, ghép, trộn nội dung nói về sản phẩm, chia sẻ của người tiêu dùng để quảng cáo. Thậm chí, gương mặt một số bệnh nhân được dùng đi dùng lại cho rất nhiều các sản phẩm từ chữa bệnh trĩ, bệnh khớp, dạ dày… Điều đó cho thấy, mạng lưới tổ chức các chiến dịch lừa đảo này chỉ có 1 đầu mối.

Lần theo một trong số rất nhiều đầu mối như vậy, PV Khoa học & Đời sống tiếp cận thông tin liên quan đến Clip bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang, và Phúc Trĩ An – Đông y Gia truyền Việt Nam.

Sau khi dựng lên các thông tin quảng cáo lừa đảo, nhóm đối tượng này sử dụng mạng lưới web ma trận hay gọi là ladipage để đăng bài viết, cài đặt các cửa sổ liên kết với mail bán hàng. 

Đăng thông tin trên web xong, nhóm Đông y lừa đảo này sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo và google để quảng cáo sản phẩm.

Clip của VTV1 bị nhóm Đông y lừa đảo cắt ghép bán các sản phẩm chữa bệnh trĩ

Clip của VTV1 bị nhóm Đông y lừa đảo cắt ghép bán các sản phẩm chữa bệnh trĩ

Sau khi khách hàng đăng ký thì thông tin sẽ được chuyển về mail. Hệ thống web này cũng cài đặt các thông tin giả danh báo chí như “báo mới”, báo sức khoẻ đời sống”, “dân trí”… 

Hệ thống ladipage hay web ma trận này chỉ hoạt động thời gian ngắn rồi khoá lại, sau đó một hệ thống mới lại được xây dựng.

Mạo danh các viện nghiên cứu

Theo xác minh của báo Khoa học & Đời sống, bản tin trên VTV1 phát lúc 16 giờ chiều mà nhóm lừa đảo bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang và Phúc Trĩ An tung ra không phải do VTV1 đưa tin về sản phẩm này.

Bản tin gốc do VTV1 phát nội dung phản ánh liên quan đến nội dung nghiên cứu khoa học của Viện Y học Bản địa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Thái Nguyên trong việc đánh giá nghiên cứu lâm sàng tác dụng chữa bệnh đại tràng từ cây ngải tiên.

Thời gian tổ chức Hội thảo được xác định là từ tháng 7/2018 tại Hội trường Viện Y học Bản địa Việt Nam, số 166, đường Tích Lương, phường Tích Lương, Tp Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Điều đáng nói là Hội thảo khoa học nói về tác dụng điều trị bệnh đại tràng, nhưng nhóm lừa đảo đã cắt ghép thành chữa bệnh trĩ.

Theo lãnh đạo Viện Y học Bản địa Việt Nam, việc các tổ chức lừa đảo công khai đánh cắp các thông tin các công trình nghiên cứu khoa học gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tin của Viện Y học Bản địa Việt Nam. Không những thế, các công trình nghiên cứu bị lợi dụng đã gây tổn hại trực tiếp đến người tiêu dùng, rất nhiều bệnh nhân trĩ “sập bẫy” nhóm Đông y lừa đảo này.

Lần theo thông tin trên các quảng cáo bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang và Phúc Trĩ An (cả hai quảng cáo này đều dùng chung số điện thoại 0977630622) để tư vấn. Ngay sau đó, một nhân viên khác gọi lại với cách tư vấn kỳ lạ: “Bệnh trĩ của anh rất nguy hiểm... được chưa? Thuốc này đảm bảo trị dứt điểm bệnh trĩ… được chưa? Nếu không mua thuốc chữa ngay, 2 năm nữa mắc ung thư… được chưa?...”

Khi PV hỏi sản phẩm này do công ty nào sản xuất? Có lúc nv tư vấn nói là của Viện nghiên cứu bệnh trĩ, có lúc là Viện nghiên cứu trĩ và khẳng định bản tin phát trên VTV1 rất uy tin, nói về Viện Y học Bản địa Việt Nam chuyên nghiên cứu bệnh trĩ.

Với cách đưa thông tin sai lệch, cắt ghép clip của VTV cũng như nhiều đài truyền hình khác, mạo danh các viện nghiên cứu trong nước, nhóm đối tượng lừa đảo đã “giăng bẫy” khắp mạng xã hội lừa đảo bệnh nhân cả tin, trong đó đặc biệt là bệnh nhân nghèo…

Khoa học & Đời sống sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin…

Theo Đời sống
back to top