Ma trận “bất động sản bịp” trên địa bàn TPHCM

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, nhiều quận trên địa bàn TPHCM đã  phát đi cảnh báo về các chiêu trò bịp của một số công ty rao bán dự án “ma’” trên đất nông nghiệp, đất đã được Nhà nước quy hoạch...Và khuyến cáo người dân cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số “cò đất”, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn đối với các dự án phân lô không đúng quy định pháp luật...

Vô tư phân lô, ký bán đất dự án “ma”.

Cụ thể, UBND phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM mới đây đã ra thông báo về việc tiếp nhận thông tin mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu. Khu đất gồm các thửa đất số 559, 560 tờ bản đồ số 17 (nay được thành lập thửa đất mới là 1418), loại đất: trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Bên bán là Công ty CP Thiết kế xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real (972 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM), Giám đốc là ông Trần Minh Phụng, tham gia phân phối, mua bán đất nền với tên là khu dân cư cao cấp Long Phụng 1.

Qua kiểm tra, UBND phường Trường Thạnh xác định khu đất trên đã có sổ đỏ, nhưng chủ khu đất khẳng định không ủy quyền hay đồng ý cho ông Trần Minh Phụng và Công ty CP Thiết kế xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real tham gia phân phối, mua bán những thửa đất trên. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường Trường Thạnh thông báo đến nhân dân sinh sống trên địa bàn và các khu vực lân cận được biết để cảnh giác.

Còn tại quận Bình Tân, qua công tác kiểm tra, rà soát trên các trang mạng và mạng xã hội (muaban, batdongsan, facebook, zalo…) cơ quan chức năng đã phát hiện quận có 9 lô đất đang được giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền, nhà ở. Nhưng thực chất không đủ điều kiện về pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân tại 6 phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.

Tại quận Thủ Đức, Khu đất thuộc dự án Đại học Quốc gia TPHCM tại tổ 5, khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức cũng bị hai doanh nghiệp là Cty CP đầu tư Angle Lina (phường Đa Kao, quận 1) và Cty bất động sản Hoàng Ân Group (phường Linh Trung, quậnThủ Đức) tự "vẽ" dự án khu dân cư và bán cho người dân.

Ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM - khẳng định: “Khu đất đó là đất quy hoạch dự án Đại học Quốc gia TPHCM, chính quyền phường và quận đã lên phương án bồi thường cho người dân nhưng các công ty này đã tự vẽ dự án khu dân cư rồi đem bán với giá rẻ, nhằm thu hút nhiều người vào mua. Hiện tại phường đã xác định được một số hợp đồng mua bán của người dân đem đến tố cáo".

Tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM, Cơ quan chức năng cũng phát hiện 10 trường hợp người dân tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường cống thoát nước, điện) và tự phân lô bán nền. Vị trí khu đất thuộc các thửa đất số 41, tờ bản đồ số 26 theo TL2005; thửa đất số 34, 47 tờ bản đồ số 25;  thửa đất số 41; tờ bản đồ số 3; thửa đất 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21; tờ bản đồ số 25; thửa đất số 102; tờ bản đồ số 2, thửa đất số 38; tờ bản đồ số 6; thửa đất số 135; tờ bản đồ số 40; thửa đất số 58; tờ bản đồ số 38….tất cả các thửa nêu trên đều nằm trải dài từ khu phố 2 đến khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM.

Các khu đất này đều không đủ điều kiện giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở, cấp giấy phép xây dựng và tách thửa. Vì vậy, UBND quận 12 sẽ thực hiện xử lý vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ các khu phân lô trái phép này theo đúng quy định.

Một căn hộ bán cho nhiều người

Đầu tiên, phải kể đến là vụ lừa đảo do “siêu lừa” Huỳnh Văn Ánh- Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Bình Tân (có địa chỉ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) thực hiện. Do không có khả năng thanh toán nợ đến hạn, tháng 12.2011, Ánh bàn giao tài sản đã thế chấp (gồm: toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với 105 căn chung cư Long Phụng Residence) cho ngân hàng để cấn trừ nợ hơn 208,5 tỷ đồng (nợ gốc, lãi phát sinh). Một năm sau, Ánh chuyển nhượng toàn bộ dự án chung cư này với giá hơn 223,5 tỷ đồng cho ngân hàng để cấn trừ nợ.

Thế nhưng, từ 2011 - 2015, Ánh đã ký bán 207 căn hộ (trong khi tính cả dự án cũng chỉ có 105 căn), thu hơn 211,7 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 64 căn hộ là bán lần thứ nhất; số còn lại được bán trùng từ 2 - 5 lần/căn. Sau đó, khoảng tháng 11.2015, Ánh xuất cảnh sang Mỹ. Năm 2017, Cơ quan tố tụng khởi tố bị can, truy nã quốc tế đối với Ánh nhưng sau đó buộc phải đình chỉ vụ án và đến nay vẫn chưa bắt được.

Từ đó đến nay, Công an TPHCM tiếp nhận hàng trăm lượt tố giác, tin báo có liên quan đến việc cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, tranh chấp tài sản là bất động sản được hình thành trong tương lai (đa phần chung cư), trong đó có một số vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 

Tháng 2/2019, Công an TP.HCM khởi tố vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Bất động sản Nam Thị (có trụ sở P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM). Trước đó, tháng 5.2010, Công ty Nam Thị xây dựng cao ốc và căn hộ La Bonita, cao 14 tầng trên đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh. Nhưng công ty này ký bán cùng căn hộ, sàn thương mại cho nhiều người và sử dụng các thủ đoạn gian dối như: thay đổi tên, ký hiệu căn hộ; thay đổi chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp để “qua mặt” khách hàng…

Trước tình trạng trên, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở ngành báo cáo bằng văn bản nêu rõ quan điểm, kiến nghị đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật liên quan nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật do những bất cập trong quy định pháp luật về giao dịch bất động sản, trong đó có loại hình giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai.

Theo Sở Tư pháp TPHCM, Luật Đất đai năm 2013, luật Kinh doanh BĐS năm 2014, luật Nhà ở năm 2014 quy định chưa thống nhất về việc bắt buộc công chứng hay không công chứng theo yêu cầu đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, giữa các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc công chứng hợp đồng, giao dịch chưa thống nhất nên trong quá trình thực hiện giao dịch liên quan đến BĐS, việc thực hiện công chứng hay không công chứng phụ thuộc vào nhu cầu của các bên. Do đó, không thể tra cứu, xác minh tài sản đã được giao dịch hay chưa.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top