Lưu ý khi dùng xuyên tâm liên điều trị Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Xuyên tâm liên đã được dùng trong y học cổ truyền để chữa bệnh nhiễm trùng và bệnh sốt nhưng chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này về phòng và chữa Covid-19. Để sử dụng phải tùy theo tuổi và tình trạng sức khỏe.

Trong Đông y, xuyên tâm liên được dùng để chữa: Cúm, cảm lạnh; Đau họng, ho, sưng amidan, viêm phế quản và các triệu chứng dị ứng; Tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng và đau dạ dày; Bệnh gan phì đại, vàng da và các loại tổn thương gan; Bệnh phong, viêm phổi, lao phổi, bệnh lậu giang mai, sốt rét, bệnh tả, bệnh dại, viêm xoang và HIV/AIDS; Vết thương ngoài da, vết loét và ngứa; Điều trị vết rắn cắn và côn trùng cắn.

Liều dùng của xuyên tâm liên có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân, dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Xuyên tâm liên có thể không an toàn. Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

 Dùng độc vị

- Tùy theo tuổi, cân nặng, mức độ bệnh có thể dùng xuyên tâm liên khô 12 - 30g hãm hoặc sắc lấy nước chia uống nhiều lần trong ngày.

- Xuyên tâm liên tươi, rửa sạch, phơi ráo nước và giã nát, thêm mật ong. Hãm với nước sôi để uống trong ngày.

- Xuyên tâm liên khô lượng vừa đủ, tán bột mịn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g với nước ấm.

 Dùng kết hợp

- Xuyên tâm liên khô 40g, cỏ nhọ nồi khô 10g, sắc với 1 lít nước trong 20 phút, chia uống ấm nhiều lần trong ngày. Dùng liên tục 1 tuần - 10 ngày.

- Xuyên tâm liên 12g, phòng phong 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, cam thảo 6g, gừng tươi 3 lát, sắc uống trong ngày. Dùng để phòng bệnh, liệu trình 15 - 30 ngày.

- Sài hồ 8g, cát căn 12g, xuyên tâm liên 12g, phòng phong 8g, tièn hồ 10g, tô ngạnh 12g, đẳng sâm 12g, thanh bì 8g, đại táo, sinh khương 3 lát, tây dương sâm 12g, hoàng cầm 10g và hoắc hương 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, dùng trong giai đoạn hồi phục.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn một số bài thuốc sử dụng xuyên tâm liên tương ứng với các giai đoạn của bệnh Covid-19.

Ở giai đoạn khởi phát: Người bệnh có biểu hiện sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác dùng bài Ngân kiểu tán: Liên kiểu 8 - 12g, cát cánh 6 - 12g, đạm trúc diệp 6 - 8g, kinh giới tuệ 4 - 6g, đạm đậu xị 8 - 12g, ngưu bàng tử 8 - 12g, kim ngân hoa 8 - 12g, bạc hà 8 - 12g, cam thảo 2 - 4g, xuyên tâm liên 12g, thanh cao hoa vàng 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia uống 3 lần sau ăn.

Ở giai đoạn toàn phát: Có thể dùng bài Ma hạnh thạch cam thang gồm ma hoàng 8 - 12g, cam thảo 2 - 4g, hạnh nhân 6 - 12g, sinh thạch cao 8 - 12g, xuyên tâm liên 12g. Sắc uống, 1 - 2 thang/ngày, chia uống ấm làm 3 lần trước ăn. Trường hợp có các triệu chứng tả lỵ nhiều lần, hậu môn nóng rát, mạch sác, miệng khát, rêu lưỡi vàng khô, dùng kết hợp bài Cát căn cầm liên thang: Cát căn 16g, cam thảo 6g, hoàng cầm 10g, hoàng liên 10g, xuyên tâm liên 12g. Sắc uống ngày 1 - 2 thang, uống ấm chia đều 3 lần sau ăn.

Lưu ý: Vì xuyên tâm liên có tính lạnh nên những người bị bệnh đường tiêu hóa thể hư hàn với các biểu hiện đau bụng khi lạnh, đầy bụng, đi lỏng… phụ nữ có thai, đang cho con bú, người đang dùng thuốc làm loãng máu nên tránh sử dụng.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top