Lừa “chuyển tiền con cấp cứu”: Nguyên nhân lộ lọt thông tin học sinh?

Chuyên gia tội phạm học, TS Đào Trung Hiếu cho rằng, nguyên nhân các vụ lừa đảo “có con nhập viện cấp cứu” là do thông tin học sinh và số điện thoại phụ huynh bị lộ.
Mới đây, Công an TPHCM đã đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn các đối tượng này thông qua việc mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin học sinh, người nhà bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại một số bệnh viện, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí.
Lua “chuyen tien con cap cuu”: Nguyen nhan lo lot thong tin hoc sinh?
Ảnh minh họa.
Thông tin học sinh, số điện thoại phụ huynh đã bị lộ lọt
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học Bộ Công an đã phân tích, mấu chốt để thực hiện hành vi lừa đảo này, các đối tượng phải có được số máy của phụ huynh và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ với học sinh ở trường. Như vậy, có thể danh sách học sinh với tên tuổi, địa chỉ, nhân thân và số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ lọt.
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, nơi quản lý những thông tin trên thường là nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học, ban phụ huynh học sinh của lớp, của trường. Bên cạnh đó, ở nhiều trường, lớp học hiện có các nhóm zalo chat giữa phụ huynh học sinh với giáo viên. Các lớp dạy thêm, học thêm, cũng có danh sách học sinh, phụ huynh kèm số điện thoại. Rất có thể thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh đã bị lộ lọt, hoặc vô tình, hoặc cố ý, từ các nguồn trên. Do đó, việc rà soát, điều tra sự việc cũng nên bắt đầu từ đây.

Nhiều phụ huynh đã bị lừa chuyển tiền

Gần đây, nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa chuyển tiền. Cụ thể, ngày 3/3, một phụ huynh có con học tại Trường Việt Úc nhận cuộc gọi tự xưng thầy giáo và lừa chuyển khoản 70 triệu đồng vì "con bị chấn thương sọ não cần mổ gấp".
Ngày 6/3, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết có thêm 5 phụ huynh liên hệ BV xác nhận thông tin con bị chấn thương sọ não và cần chuyển tiền gấp.Trong đó, 2 phụ huynh bị lừa chuyển 250 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo tự xưng là giáo viên.
Trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi
Theo TS Đào Trung Hiếu, đây là trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi. Đối tượng đã khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của các bậc phụ huynh khi nghe tin con bị tai nạn ở trường. Trong tình huống này, vì lòng thương con, đa phần phụ huynh rất nhanh chóng lâm vào tình trạng lo sợ, lúng túng, bất an, thậm chí hoảng loạn. Đây là thời điểm thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo nhất mà đối tượng có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của mình.
Bên cạnh đó, khi đối tượng đã gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, nạn nhân thường sẽ không còn nghi ngờ gì nữa, mặc định đó là giáo viên hoặc cán bộ nhà trường nơi con mình đang học. Có trường hợp đồng bọn của kẻ mạo danh sẽ đóng vai nhân viên y tế thông báo tình hình bệnh lý của con, nên tạo được lòng tin của nạn nhân.
Đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí nhập viện để giải phẫu ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin. Vì sốt ruột lo lắng cho con, sợ sự chậm chễ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nên nhiều người đã dễ dàng chấp nhận làm theo các yêu cầu của đối tượng, chuyển tiền luôn.
Lua “chuyen tien con cap cuu”: Nguyen nhan lo lot thong tin hoc sinh?-Hinh-2
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu
Điểm chung giống nhau là các trò lừa đảo này đều thực hiện bằng thủ đoạn mạo danh người khác. Đều đưa ra những lý do hợp lý nhằm tạo nên sự lo sợ trong tâm lý nạn nhân, từ đó buộc nạn nhân phải chuyển tiền qua các giao dịch chuyển khoản và chiếm đoạt số tiền đó. Các tài khoản nhận tiền do phạm tội mà có đều là các tài khoản ảo, không phải của chính đối tượng gây án, mà có thể do chúng mua được ở trên mạng.
Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt. Cụ thể, các chiêu trò lừa đảo mạo danh đã xảy ra trên không gian mạng thời gian vừa qua, như giả danh cơ quan pháp luật, các cơ quan cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, ga, bưu điện, ngân hàng…đối tượng thường gọi tới bất kỳ số điện thoại nào đó. Nghĩa là không xác định trước nạn nhân.
Trong trò lừa mạo danh giáo viên mới xảy ra, mục tiêu được đối tượng lừa đảo xác định trước, căn cứ theo thông tin cá nhân về họ mà chúng có được theo một cách nào đó.
Từ đó, để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức nói trên, giữa nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường;
Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học. Phụ huynh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới. Tình huống nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.
Tình huống không liên lạc được thì phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra. Tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.
Đồng thời, phải trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết. Cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, giúp nhiều người cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới của bọn tội phạm.

Công an TPHCM khuyến cáo

Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh…), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an Thành phố (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Bệnh viện cảnh báo cuộc gọi lừa đảo có con nhập viện cấp cứu:

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) mới đây cho biết, chỉ trong chưa đầy một giờ, từ 15-16h ngày 6/3, Khoa Cấp cứu của bệnh viện nhận liên tiếp hai cuộc gọi từ phụ huynh của ba học sinh . Các phụ huynh này gọi đến để xác nhận thông tin “có phải con, cháu của tôi đang điều trị tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 hay không?”.

Trường hợp đầu tiên liên quan học sinh P. Người nhà nhận được cuộc gọi từ số 0703960xxx thông báo P bị té cầu thang và hiện đang cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 kèm theo thông tin “cháu bị tụ máu não cần mổ cấp cứu gấp”. Ngay sau khi nhận được cuộc gọi, người nhà học sinh này đã gọi ngay cho một bác sĩ để nhờ liên hệ bác sĩ khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 nên biết được thông tin không có thật.

Trường hợp 2 và 3 là hai anh em sinh đôi học cùng lớp ở một trường quốc tế tại quận Bình Thạnh. Sau khi không thể lừa được ba của hai học sinh này, kẻ gian giả danh là nhân viên của nhà trường gọi điện cho mẹ đòi chuyển tiền gấp với lý do “hai cháu đang phải mổ cấp cứu gấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1”. Rất may, người mẹ đã cảnh giác nên liên hệ với một bác sĩ đang làm việc tại BV, nhờ đó biết được đây là cuộc gọi lừa đảo nhằm lừa gạt tiền.

Theo Đời sống
back to top