Nồng độ bụi PM2.5 cao hơn mức tiêu chuẩn
Khi trẻ em học tập trong những phòng học đóng kín hoặc số lượng trẻ em quá đông, hệ thống thông gió làm việc kém hoặc không có, người ta nhận thấy có sự thay đổi đáng kể thành phần hoá học và tính chất lý học của không khí trong phòng. Lượng khí CO2, hơi nước, các loại ion nặng tăng lên đáng kể. Đồng thời, nhiệt độ không khí, nồng độ bụi và độ nhiễm khuẩn cũng cao, trong phòng có thể xuất hiện một số hợp chất hữu cơ như NH3, H2S, một số axit béo và một số hợp chất khác. Sự thay đổi thành phần hoá học là do trong quá trình hô hấp của con người, thành phần của khí thở ra khác với thành phần không khí. Ô nhiễm này hay còn gọi là ô nhiễm không khí trong nhà.
Trẻ em thường dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí hơn người lớn bởi chúng đang trong giai đoạn phát triển hệ miễn dịch và cần hít thở tỷ lệ khí trên khối lượng cơ thể cao hơn người lớn. Các chất ô nhiễm thường làm tăng tác động của các bệnh về da, mắt, làm giảm điều kiện sinh hoạt và hiệu suất học tập. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam có rất ít nghiên cứu xem xét mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường học đường này. Nghiên cứu cho thấy giao thông và hoạt động của các khu dân cư xung quanh là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng không khí của trường học. Kết quả đo đạc nồng độ một số chất ô nhiễm không khí phổ biến (PM 2.5, PM10, CO2, NO2 và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC) tại 10 trường tiểu học ở các quận nội thành Hà Nội trong 2 tuần cho thấy bụi PM 2.5 là vấn đề ô nhiễm không khí chính trong các lớp học.
Nồng độ bụi PM2.5 trong nhà trung bình ở các trường tiểu học là khoảng 130µg/m3 (± 31), cao hơn mức tiêu chuẩn mà Bộ Y tế kiến nghị 65µg/m3, và thấp hơn nồng độ bụi PM2.5 ngoài trời 168µg/m3 (± 78). Đặc biệt, các trường học nằm gần đường giao thông có nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao gấp 2 - 3 lần so với tiêu chuẩn trên.
Trường gần chợ và đường giao thông ô nhiễm nặng hơn
Các trường nằm gần chợ và đường giao thông cũng có nồng độ VOCs trong lớp học và trong sân trường tương đối cao so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ở tất cả các trường, nồng độ CO2 và NO2 đều ở ngưỡng cho phép. Mặc dù trong khuôn khổ nghiên cứu này, các mẫu trường tiểu học không thể đại diện cho toàn Hà Nội, nhưng nó cũng góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà - điều mà rất ít người quan tâm tới và càng ít thông tin nghiên cứu về nó hơn.
Làm thế nào để cải thiện chất lượng không khí trong trường học? Do không phải trường học nào cũng có hiện tượng ô nhiễm như nhau nên trong tương lai, khi các trường muốn đối phó với ô nhiễm không khí trong nhà, họ cần đo lường và xác định bối cảnh của riêng mình để có phương án lựa chọn thích hợp. Đa số trường học hiện lắp điều hòa để tránh nóng đồng thời giảm bụi, nhưng việc sử dụng điều hòa cũng đem lại những hệ lụy. Bởi nếu bật điều hòa liên tục sẽ làm tăng nồng độ CO2 trong không gian kín và nhiều người hít thở, rất không tốt cho sức khỏe học sinh. Do đó, nếu sử dụng điều hòa, các lớp học nên được mở cửa sổ trao đổi khí với bên ngoài sau vài tiếng sử dụng.
Với các loại bụi, nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động vui chơi, chạy nhảy trên sân trường của học sinh có thể làm bụi bốc lên, tăng nồng độ các chất bụi PM trong không khí. Vì thế, các trường có thể lát phẳng nền sân để phần nào hạn chế tình trạng này. Tương tự, những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOCs (có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thần kinh) thường có trong các loại bàn ghế gỗ ép mới, chất tẩy rửa vệ sinh... Do vậy, lớp học cần bố trí thời gian, tần suất làm sao để các hoạt động vệ sinh không gây ảnh hưởng đến khung giờ học tập và vui chơi của các học sinh.