Sau một thời gian chất lượng không khí khá tốt thì những ngày gần đây, tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng “tái xuất” ở Hà Nội. Theo các chuyên gia, để có giải pháp ngăn chặn tình trạng này phải đánh giá đúng mức độ ô nhiễm không khí.
Theo TS Lý Bích Thủy (Đại học Bách khoa Hà Nội), qua nghiên cứu về ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đến chất lượng không khí bằng sử dụng dữ liệu trạm mặt đất và thông tin khí tượng cho thấy, ảnh hưởng thời tiết lên nồng độ bụi mịn trên từng ngày là rất lớn. Nhất là nồng độ ô nhiễm trong thời gian cách ly giảm so với trước cách ly. Sự suy giảm này tương ứng với sự suy giảm của lưu lượng giao thông trong thời gian cách ly.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá do nhiều nguyên nhân cộng hưởng gồm giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các chất ô nhiễm khuếch tán lên cao giúp chất lượng không khí được cải thiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.
Tuy vậy rất khó để nhận định Hà Nội đang ô nhiễm thế nào bởi ô nhiễm không khí là một vấn đề quá phức tạp, nó liên quan đến rất nhiều loại thành phần ô nhiễm khác nhau, từ hạt bụi ở nhiều kích thước đến các chất ô nhiễm dạng khí và phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố khác nhau như điều kiện khí tượng, hoạt động của con người… Nhìn tổng thể, bức tranh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã được dựng lên theo từng kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. Nhưng đến nay chưa ai có thể trả lời được tường tận và thấu đáo câu hỏi “những nguồn phát thải nào đóng góp lớn nhất trong ô nhiễm không khí Hà Nội?”, “cách thức giảm thiểu ô nhiễm nào là hiệu quả nhất với Hà Nội?” hoặc “Hà Nội có thuộc top thành phố ô nhiễm nhất thế giới không”? Muốn trả lời được những câu hỏi này, Hà Nội phải có kiểm kê phát thải.