Hình minh họa.
Cậu con trai học lớp 6, đi họp phụ huynh, chị được cô giáo mời ra nói chuyện riêng. Là chuyện cô chấm sai bài kiểm tra tiếng Anh của con và trước lớp con phản ứng gay gắt.
Cô nhắc mẹ dặn con lần sau có gì phải gặp riêng cô trao đổi, không được nói tự do trên lớp. Học ở trung tâm thì nghe nói có thể tốt, nhưng ngữ pháp làm sao bằng được cô… Thôi thì biết làm thế nào, đành phải hứa sẽ nhắc nhở con, chứ không chỉ còn nước xin chuyển sang lớp khác. Nhưng thực sự trong lòng chị thấy không thoải mái.
Ai cũng biết, đấy là do cô muốn giữ uy tín trước học sinh. Uy tín là sự tín nhiệm của mọi người. Nhưng nếu cái uy tín đó được xây dựng trên việc học sinh biết cô sai mà không được nói ra thì liệu có bền vững?
Quan hệ thày trò ở ta từ trước đến nay vẫn là một chiều, mặc nhiên cái gì thày nói ra cũng đúng, cũng là “thánh chỉ” cả, nên trò chỉ có nhiệm vụ nghe và học thuộc một cách thụ động. Mọi ý kiến khác đều không được chấp nhận. Ai phản đối thì bị chụp cho cái mũ “hỗn với giáo viên”.
Cách học ngày nay đã khác trước rất nhiều. Chỉ lấy ví dụ như môn tiếng Anh. Nhiều gia đình có điều kiện đã cho con học tiếng Anh từ bé với giáo viên nước ngoài. Nên có những em khả năng nghe nói rất tốt, có khi còn tốt hơn cô giáo được đào tạo theo lối cũ.
Các kiến thức các em thu nhận được không chỉ từ nhà trường, mà rất nhiều thông tin trên mạng, trong sách… Nếu thày cô không chịu khó đọc, không cập nhật thì rất dễ bị tụt hậu.
Tất nhiên, chẳng ai biết hết được mọi thứ, kiến thức, sự hiểu biết của mỗi người đều có hạn. Nhưng có lẽ do cách chúng ta đánh giá về một con người còn chưa khách quan, còn thiển cận quá. Nhiều khi chỉ qua những một vài sai lầm, thiếu sót của họ… đã quy chụp nặng nề, nên người ta rất sợ sai, sợ lỗi. Và cách an toàn nhất là che giấu những yếu kém của mình…
Nếu có sợ sai, hãy nhớ hình ảnh người thầy giáo Đuysen trong Người thầy đầu tiên của Aimantov, kiến thức có hạn nhưng lòng nhiệt tình đã khiến thầy không ngại ngần truyền dạy hết cho học sinh những gì mình biết. Nhưng điều quan trọng hơn là thầy đã truyền được ngọn lửa đam mê học tập cho học sinh.
Người thầy đáng kính trọng không phải là người cái gì cũng biết, mà là người biết tôn trọng sự hiểu biết của học trò.
Minh Anh