Theo ghi nhận của Khoa học và Đời sống, ngày 6/8, tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) luôn trong cảnh đông đúc, tấp nập người dân vui chơi, giải trí. Trong khi đó, các phố đi bộ khác như phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, khu phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã... đều vắng khách vào dịp cuối tuần.
Điển hình như phố đi bộ Trần Nhân Tông, nơi được kỳ vọng tạo nên địa điểm vui chơi giải trí mới cho người dân Hà Nội khi kết hợp nhiều không gian như Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa… cũng chỉ hút khách khi có sự kiện được tổ chức. Tuy nhiên, khi không có sự kiện, khu phố trống trơn, chỉ có số ít người qua lại là cư dân trong khu vực. Thậm chí, có thời điểm số người hiện diện trên phố phần lớn là nhân viên tại các gian hàng dịch vụ.
Trong khi đó, phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) được khai trương vào cuối năm 2022, lấy ẩm thực là nền tảng phát triển chủ đạo cũng chỉ đông đúc vào một vài thời điểm, còn lại đều trong tình trạng vắng vẻ. Theo quan sát của phóng viên, sân khấu trên phố Trúc Bạch, chiếc banner của một sự kiện văn hóa từ tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa được tháo xuống, chứng tỏ nơi đây đã lâu không có sự kiện gì.
Chị Thanh Hà (Trúc Bạch, HN) cho biết: “Thời gian đầu còn có nhiều sự kiện, thu hút nhiều người đến. Gọi là phố đi bộ nhưng giờ vắng vẻ lắm, chủ yếu chỉ có người dân quanh đi đây tập thể dục”.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - không gian nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hoạt động từ tháng 5/2018, được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... mỗi cuối tuần của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước đến nay cũng lâm vào tình trạng ế khách.
“Phố đi bộ này không có gì đặc biệt so với khu vực hồ Hoàn Kiếm nên tôi chỉ mới đi một lần. Chắc không có lần sau nữa!”, anh Trần Ngọc Khánh (Hàng Bài, Hoàn Kiếm) chia sẻ khi đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Theo nhiều người dân, do tuyến phố này không nằm trong trung tâm, phố đi bộ ngắn nên ít thu hút khách.
Trước đó, vào đầu năm 2023, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội từng có kế hoạch đưa những chương trình nghệ thuật đặc sắc về không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Đẩy mạnh hoạt động cộng đồng, hoạt động cho thanh thiếu niên để thu hút khách trở lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tuyến phố này vẫn chưa có chuyển biến.
Khoa Học & Đời Sống giới thiệu một số hình ảnh tại các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội:
Hàng quán trên phố đi bộ Hồ Gươm kê bàn ghế xuống đường để kinh doanh. |
Dù được quản lý rất chặt ở các chốt vào phố đi bộ, tuy nhiên nhiều shipper vẫn phóng xe trên phố Hàng Khay. |
Rác thải vẫn ngang nhiên tồn tại trước cổng Bưu điện Bờ Hồ trong khu vực phố đi bộ. |
Khu vực phố đi bộ trên phố Trần Nhân Tông thưa vắng. |
Tranh thủ mắc võng nghỉ trưa ở không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông. |
Chiếc banner một chương trình biểu diễn nghệ thuật từ tháng 5 tại khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã. |
Khu phố ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã vắng vẻ vào 3 ngày cuối tuần. |
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn từng được kỳ vọng là nơi sẽ diễn ra biểu diễn văn hóa nghệ thuật của Thủ đô. |
Tuy nhiên, thực tế trái với kỳ vọng của các cơ quan quản lý, tuyến phố này thường xuyên rơi vào tình trạng ế ẩm. |
Hiện nay Hà Nội có 5 tuyến phố đi bộ, bao gồm: Không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía nam khu phố cổ Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm), phố Trịnh Công Sơn (Quận Tây Hồ), phố quanh thành cổ Sơn Tây, phố Trần Nhân Tông và phụ cận (Quận Hai Bà Trưng), phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã.
Thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ, gồm: Hoàng Cầu - Hào Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh.