Khó kiểm chứng chất lượng
Với mức xử phạt cao cho hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông, rất nhiều cách “ứng phó với cảnh sát” đã được dân nhậu rỉ tai nhau như ăn nhiều các thực phẩm giải rượu, uống thuốc giải rượu… Trong đó, việc mua các loại máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra cũng thu hút khá nhiều người. Theo quảng cáo của một tài khoản facebook, chiếc máy đo nồng độ cồn nhỏ gọn có giá chỉ 250.000 đồng, có thể giúp giải quyết những tình huống “oái oăm”, như uống rượu từ trưa, không biết buổi chiều đã hết nồng độ cồn hay chưa; uống cooctail, ăn bỗng rượu, uống nước ngâm hoa quả lên men… có tồn tại nồng độ cồn hay không... đều có thể tự kiểm tra với chiếc máy đo nồng độ cồn nhỏ gọn này.
Chị Phùng Thanh Hà, một người bán hàng online cho biết, thời gian gần đây, máy đo nồng độ cồn được người dân tìm mua rất nhiều. Các loại máy có nhiều mức giá khác nhau, từ 250.000 đồng đến 2-3 triệu đồng, thậm chí có máy lên đến hàng chục triệu đồng. Loại phổ biến được mua nhiều nhất là loại từ 200-300 ngàn đồng. Mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Liệu những chiếc máy đo nồng độ cồn này có được kiểm chứng hay không? Theo KS Lê Văn Tạch, loại máy này không có nhiều ý nghĩa. Bởi một số người dân thường có xu hướng chọn máy giá rẻ. Điều này rất dễ rơi vào cảnh mua phải máy có chất lượng kém. Khi mình uống một chút rượu mà thổi vào những máy này có thể không thấy gì nhưng khi ra đường thổi vào máy chuyên dụng của lực lượng chức năng lại phát hiện có vi phạm. Như vậy thì mua máy đo không để làm gì?
Được biết, thiết bị đo nồng độ cồn mà các lực lượng chức năng sử dụng là thiết bị hiện đại có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở, sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước. Mỗi tài xế thổi vào ống thổi dài khoảng 5cm, to bằng đầu đũa. Kết quả sẽ được hiển thị ngay trên màn hình.
Các “mẹo” đều không có tác dụng
Ngoài ra trên thực tế, cánh tài xế thường mách nhau những bí quyết như ngậm đồng xu, hút thuốc lá,... nhằm tạo mùi mới để đánh lạc hướng máy đo nồng độ là điều không thể. Theo TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hoá, điện hoá và đèn tiết kiệm năng lượng, đây là những mẹo rất buồn cười, chứng tỏ nhiều người không hiểu rõ về cơ chế của việc uống rượu bia vào cơ thể. Một số bác tài cho rằng, sau khi nhậu xong thì chỉ cần đánh răng thật kỹ và ngậm nước xúc miệng là có thể giảm thiểu được nồng độ cồn trong hơi thở.
Trên thực tế, nồng độ cồn xuất phát từ phổi chứ không phải ở khoang miệng, do đó phương pháp đánh răng là không hiệu quả. Thậm chí, một số loại kem đánh răng còn chứa cồn có thể gây tác dụng ngược lại. Còn phương pháp nhai kẹo cao su hoặc xịt nước thơm miệng chỉ có thể che giấu được mùi rượu, bia trong thời gian ngắn nhưng không thể thay đổi được lượng cồn trong hơi thở đẩy lên từ phổi. Máy đo nồng độ cồn được trang bị cảm biến áp suất, do đó có thể phát hiện chuyển động của luồng khí, không thể dùng bất cứ mẹo nào để thổi cho ra kết quả sai nếu có nồng độ cồn trong hơi thở.
Ngoài ra, hút thuốc lá để giảm nồng độ cồn cũng là suy nghĩ cực kỳ sai lầm bởi thuốc lá khi đốt sẽ sinh ra khí acetal dehyde, đây là chất mà máy đo xác định nồng độ rượu trong máu.
Theo các chuyên gia, cách an toàn nhất để “đối phó” với cảnh sát giao thông chính là việc nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.