Giá test phụ thuộc vào giá nhập khẩu hay số lượng bán ra?
Bộ Y tế từng ước tính, từ tháng 9 - 12/2021, nhu cầu của cả nước đối với sinh phẩm xét nghiệm: 25,7 triệu test Realtime - PCR; 105,9 triệu test nhanh kháng nguyên.
Con số này sẽ giúp bạn đọc hình dung nhu cầu xét nghiệm Covid-19 lớn đến mức nào.
Mới đây, ngày 24/9/2021, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Vĩnh Long có Quyết định số 1405/QĐ-KSBT phê duyệt kết quả mua 110 hộp (96 test/hộp) test Covid-19 với đơn giá 26.880.336đ/hộp, bình quân hơn 280.000đ/test.
Tên thương mại là Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc.
Đây là kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime - PCR.
Theo đó, nhà thầu chỉ định là Công ty CP Y tế Đức Minh. Tổng giá trị gói thầu hơn 2,95 tỷ đồng.
Trước đó vài ngày, 15/9/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã mua 60 hộp với tổng trị giá 1,953 tỷ đồng.
Gói thầu là Bộ hóa chất xét nghiệm Realtime - PCR Covid-19. Hộp gồm 96 test do SD Biosensor, nước sản xuất: Hàn Quốc. Đơn giá dự kiến là 32.550.000đ/hộp đã gồm thuế VAT.
Mức giá gói thầu trên là mức giá cho hàng hóa mới 100%, bao gồm thuế VAT, chi phí vận chuyển, bàn giao theo quy định của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Công ty CP Y tế Đức Minh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trúng thầu.
Thế nhưng, trong văn bản số 7263/BYT-KH-TC ban hành ngày 1/9/2021 của Bộ Y tế gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc xin ý kiến phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, cùng loại sản phẩm có đơn giá 4,25USD/test.
Cụ thể, Test Realtime RT-PCR STANDARDTM nCoV Real-Time Detection Kit hãng sản xuất: SD Biosensor, nước sản xuất: Hàn Quốc có giá là khoảng 100.000đ/test (đơn giá là 4,25USD/test chưa bao gồm phí ủy thác nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng).
Vào ngày 22/9/2021, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 289/QĐ-KSBT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu “Mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (bộ test nhanh) phục vụ phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo đó, gói thầu này cung cấp 1,5 triệu test kháng nguyên SARS-CoV-2 (phân nhóm 4) có tên thương mại StandardTM Q Covid-19 Ag Test do Công ty SD Biosensor Inc (Hàn Quốc) sản xuất.
Đơn giá sau thuế (đã bao gồm các khoản phí) của gói thầu là 135.000đ/test, tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng.
Test nhanh kháng nguyên: Standard Q Covid-19 Ag Test, hãng sản xuất: SD Biosensor, nước sản xuất: Hàn Quốc cũng chỉ có giá khoảng 60.000đ/test (đơn giá là 2,5USD/test chưa bao gồm phí ủy thác nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng) và giá bán trong nước là 178.080đ/test.
Trong khi giá nhập khẩu bộ test nhanh chỉ dao động từ 2 - 2,5USD/test (quy đổi tương đương khoảng 46.000 - 57.000đ/test). Trong khi giá chỉ định thầu rút gọn ở nhiều tỉnh, thành đối với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, vật tư y tế trong nước lên đến từ 135.000 -178.000đ/test.
Còn với bộ test PCR có giá nhập khẩu 4,25USD/test và cộng các loại chi phí vào giá khoảng 4,46USD/test (tương đương khoảng 108.000đ/test)… nhưng giá chỉ định thầu lên đến 280.000đ/test.
Thú vị hơn nữa, trở lại nhiều tháng trước, cùng ngày 13/7/2021, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã thực hiện hai Quyết định số 128/QĐ-TTYT và 129/QĐ-TTYT để chỉ định thầu mua test nhanh kháng nguyên.
Quyết định số 129 về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu mua test xét nghiệm phát hiện định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 với tên sản phẩm là Panbio Covid-19 Ag Rapid test Device với số lượng 10.000 test được tính với giá 178.500đ/test.
Còn Quyết định số 128 thực hiện gói thầu rút gọn mua test nhanh kháng nguyên (Trueline Covid-19 Ag Rapid test) với số lượng 5.000 test được tính với giá 135.000đ/test.
Không công khai giá nhập khẩu để tham chiếu giá thầu?
Các gói thầu rút gọn về test xét nghiệm Covid-19 ở một số địa phương mỗi nơi một giá, thậm chí chênh nhau khá lớn. Những bất thường này có xuất phát từ chính hình thức chỉ định thầu hay gói thầu rút gọn hay không?
Theo Luật sư Phan Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Phan Thanh Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã đưa ra 8 hình thức để lựa chọn nhà thầu gồm: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt và tham gia thực hiện của cộng đồng.
Để tạo cạnh tranh và minh bạch trong quá trình mua sắm, đầu tư, chủ đầu tư thường tổ chức mời thầu, để lựa chọn được nhà thầu, đơn vị cung cấp phù hợp nhất với tiêu chí chất lượng và năng lực, đồng thời tiết kiệm và hiệu quả kinh tế của gói thầu.
Đặc biệt, khi sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện phải khắt khe hơn.
Căn cứ Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu: “Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” sẽ được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn.
Theo luật sư Phan Thanh Bình, trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm Covid-19 theo các gói thầu rút gọn hay chỉ định thầu là quyết định hoàn toàn chính xác, thể hiện quan điểm, đường lối đúng đắn của các cấp lãnh đạo.
Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát tránh những cố tình lập dự toán với giá gói thầu cao để hợp thức hóa việc chỉ định thầu với giá trúng thầu thấp hơn. Các doanh nghiệp (hoặc các bên) cố tình bắt tay nâng giá sản phẩm từ khâu báo giá, từ đó, nhà thầu sử dụng làm căn cứ để xác định giá gói thầu cao hơn giá thị trường.
Theo luật sư Phan Thanh Bình, hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ đăng tải văn bản số 5288/BYT-TB-CT vào ngày 2/7/2021, cùng 9 lần cập nhật giá bán của hàng chục sản phẩm, chủng loại sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Thế nhưng, lại chưa có văn bản nào đề cập công khai đến giá nhập khẩu để làm căn cứ so sánh.
Hiện nay, giá test nhanh kháng nguyên và sinh phẩm test PCR SARS-CoV-2 đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, ngay từ thời gian đầu, việc các cơ quan y tế địa phương “do bận chống dịch” như GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, trả lời vừa qua, mà có dấu hiệu “buông lỏng” kiểm soát giá chỉ định thầu các gói thầu test nhanh kháng nguyên Covid-19 hay sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã dẫn đến “loạn” giá test.
Điều chỉnh giá test nhanh kháng nguyên Covid-19 là việc làm cần thiết, phù hợp tình hình thực tế. Thế nhưng, đã có hàng chục triệu test nhanh và PCR Covid-19 được thực hiện trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 vừa qua.
Người dân đã phải trả phí xét nghiệm cao một cách phi lý, tạo lỗ hổng cho một số tổ chức và cá nhân trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của người dân. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Tại sao không áp cơ chế đấu thấu chọn giá thấp như từ trước tới nay?
Các bệnh viện khi trở thành các đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được chuẩn bị những cơ sở pháp lý, những kiến thức cần thiết để đảm bảo cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt cơ chế tài chính.
Theo PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, chúng ta cho rằng phòng chống dịch Covid-19 sẽ có ngân sách nhà nước lo. Tuy nhiên, phân công giữa ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế cũng chưa rõ ràng. Cho nên bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán.
Ví dụ, trong việc xét nghiệm, nếu phân công rạch ròi, để bảo hiểm thực hiện thanh toán, cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ như từ trước đến giờ, chọn giá thấp nhất, chắc chắn sẽ không có loạn giá xét nghiệm xảy ra như vậy.