Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đã đặt câu hỏi chất vấn như trên xung quanh vấn đề xét nghiệm và giá test Covid-19.
GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Giá xét nghiệm Covid-19 không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật giá và có sự chênh lệch giữa các nơi. Đối với giá xét nghiệm, theo quy định của Bộ là thực thanh thực chi, mặt khác đối với các đơn vị tư nhân, chúng ta không áp dụng hình thức quản lý giá, do đơn vị tự chịu trách nhiệm, phải niêm yết, công khai”.
Bộ Y tế đã từng bước minh bạch việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, yêu cầu các công ty công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế. Bộ cũng liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị.
Hiện nay chúng ta đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28.
Các nước đã hỗ trợ Việt Nam với khoảng trên 50 triệu test. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã đưa ra yêu cầu việc giảm giá thành như hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20).
Trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do dịch Covid-19 diễn tiến quá phức tạp và kéo dài, các địa phương “quá bận về công tác phòng, chống dịch” nên đến tận tháng 9/2021, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được.
“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này”, Bộ trưởng Thanh Long nói.
Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022. Chính phủ và Bộ Y tế đều có văn bản hướng dẫn, liên tục nhắc nhở các địa phương thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không tham nhũng và lãng phí.