Lò đốt rác sử dụng nhớt thải

(khoahocdoisong.vn) - Tận dụng nguồn nhớt thải làm nguyên liệu đốt, giải pháp đốt rác hạn chế ô nhiễm môi trường của ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hội Khoa học kỹ thuật Đúc – Luyện kim TPHCM được đánh giá có tiềm năng ứng dụng cao.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt cho biết, trọng tâm nghiên cứu thiết bị nhằm tận dụng số lượng rất lớn nguồn nhớt thải – dầu thải từ các phương tiện cơ giới (ô tô, xe máy, tàu thuyền…). Đây là giải pháp giúp tiêu hao đáng kể nguồn chất thải dễ gây ô nhiễm môi trường (lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, có chứa nhiều kim loại nặng) khi chưa có giải pháp xử lý hiệu quả hơn việc tái chế (vốn rất phức tạp và chi phí cực lớn). Thiết bị được cải tiến bằng cách phân tán dầu 2 cấp, giúp tận dụng nguồn dầu thải - nhớt thải (không cần tái chế), tăng độ an toàn, dễ bảo dưỡng nhờ tách rời bộ phận cấp khí cho thiết bị đốt, lại đơn giản - tiết kiệm - hiệu quả và thân thiện môi trường.

Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc cung cấp nhớt vào trung tâm ống dẫn có thổi khí áp lực cao bao quanh. Nhớt được khí cuốn theo và phân tán nhuyễn theo cấp số nhân, sau đó được đốt cháy hoàn toàn với hiệu suất rất cao (mức nhiệt có thể lên tới 1.000 độ C). Thiết bị không chỉ sử dụng nhớt thải, mà còn đốt được cả dầu thải và dầu ăn đã qua sử dụng, cho phép ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nấu nhôm, nhựa phế liệu, đốt chất thải lỏng nguy hại, sấy, tiệt trùng nông sản sau thu hoạch, chưng cất các loại tinh dầu… Trong nấu nhôm, đồng hoặc gang, thiết bị có thể thay thế các loại lò đốt bằng dầu diesel hoặc củi, vốn phát sinh nhiều khói, bụi, không đạt các tiêu chuẩn môi trường về khí thải, chất thải.

Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động TPHCM, khí thải tại ống thoát khí sau hệ thống xử lý của thiết bị đốt lò áp lực sử dụng nhớt thải đạt yêu cầu theo quy định tại QCVN 19:2009/BTNMT. Trước đó, thiết bị đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn giải pháp hữu ích. Đây có thể coi là giải pháp tận dụng dầu mỡ thải một cách hữu ích, đem lại giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường.

Theo Đời sống
Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Theo các chuyên gia, sách khoa học có tính hàn lâm cao, kén độc giả. Tuy nhiên, nên coi đọc sách khoa học không chỉ là một sở thích, mà sách chính là hành trang quan trọng cho mỗi người.
back to top