Liên hiệp các hội KH&KT Lâm Đồng: Chuyển giao, ƯD công nghệ vào SX nông nghiệp

Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Ths Ngụy Thành Dũng - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết, hàng năm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Các công nghệ áp dụng chủ yếu kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới, tưới tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng và ánh sáng tự động; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đồng thời đã phát triển được nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp thông minh, cảnh quan môi trường, sản xuất nông sản an toàn và các khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Về công tác chuyển giao khoa học và công nghệ, nhiều chương trình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được tăng cường triển khai để chuyển giao cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Ths Dũng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn như: nguồn lực đầu tư, khả năng cạnh tranh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp có quy mô nhỏ, chiếm nhiều quỹ đất nhưng tỷ lệ đóng góp cho phát triển công nghiệp vẫn chưa tương xứng; sự tăng trưởng chậm của thị trường trong nước và quốc tế; biến đổi khí hậu, hạn hán...

Bên cạnh đó, năng lực sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tiến hành riêng lẻ ở quy mô hộ gia đình còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông; thiếu những kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình độ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân trong thực hành, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, muốn đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp cần có một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có tiêu chí riêng và cụ thể cho từng vùng, từng loại và giống cây trồng; Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Theo Đời sống
Khát vọng hóa rồng

Khát vọng hóa rồng

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA khẳng định, những “điểm sáng” đối ngoại trong năm 2023 giúp Việt Nam nâng tầm, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh trong khu vực và thế giới.
back to top