Lê Doãn Nhã – một nhà Nho yêu nước – kỳ 2: Gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp

Gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp, Lê Doãn Nhã đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân những nơi ông từng làm quan.

• Lê Doãn Nhã – một nhà Nho yêu nước

Chiếu Cần vương.

Gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp

Những người dân tin tưởng coi Lê Doãn Nhã như một vị thánh linh thường luôn cứu giúp dân chúng. Đó chính là điều kiện thuận lợi giúp ông trên con đường chống giặc cứu nước sau này.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta trước sự hèn nhát của một số vua quan nhà Nguyễn, nước ta lần lượt rơi vào tay giặc. Đi đến đâu, chứng kiến cảnh khổ cực của nhân dân, thấu hiểu nỗi nhục của người dân mất nước, ông thực sự đau lòng.

Năm 1885, sau bao suy nghĩ trăn trở bởi tư tưởng “trung quân ái quốc” đè nặng trong lòng, gặp lúc chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi ban xuống, Lê Doãn Nhã lập tức hưởng ứng. Ông quyết định gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp, bất chấp mọi nguy hiểm hy sinh.

Quyết định đó là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời ông và gia đình ông. Tinh thần yêu nước cao cả, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của đồng bào các dân tộc như Lang Văn Út, cùng cháu là Lang Văn Thố, Lang Văn Xá, Lang Văn Thông… đã giúp ông có thêm sức mạnh đánh thắng trận đầu với quân Pháp ở Đồn Dừa (huyện Anh Sơn) được nhân dân hết sức ca ngợi.

Sau chiến thắng Đồn Dừa, Lê Doãn Nhã cho quân thẳng xuống đồng bằng, hợp tác với Nguyễn Xuân Ôn, người bạn đồng khoa năm xưa, ngay lúc đó bộ chỉ huy được thành lập.

Bên cạnh chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã được cử làm phó tướng, cùng một số đề đốc khác. Cuộc khởi nghĩa Báo quốc Cần vương chính thức được mở trên địa bàn Nghệ An, gồm tất cả các huyện, phía Bắc sông Lam.

Binh lính do ông chỉ huy đã đánh thắng giòn giã liên tiếp nhiều trận trên tuyến đường chiến lược quốc lộ 7. Quân địch vô cùng hoảng sợ, phải thú nhận “Thân hào hai phủ Anh Sơn và Diễn Châu tỉnh Nghệ An chiếm giữ luôn nổi dậy đánh phá trong hạt.

Lãnh binh, hiệp quản, suất đội phải đi dẹp, đều bị chúng bắt sống. Phó lãnh binh quan là Hồ Tiên Nghi, hiệp quản là Phan Khắc Hoan, Hồ Kiêm, suất đội là Nguyễn Khoa, Từ Văn Phúc trước sức mạnh của nghĩa quân đều bỏ thành trốn chạy”.

Anh dũng hy sinh

Triều Nguyễn dưới sự chỉ đạo của bọn Pháp, cho Hoàng Kế Viêm lúc này làm tổng đốc An Tịnh dùng lời ngon ngọt, dụ dỗ “Từ nay thân hào cũng nên biết sớm quay đầu về cho giải tán binh dưỡng, đem thân về với triều đình, hoặc do các địa phương, hoặc do các quân thứ bẩm xét đều vẫn được giữ nguyên hàm lượng”.

Trong trận đánh Xóm Hồ, Đồng Thông không may chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn bị thương, sau đó bị bắt, nghĩa quân còn lại dưới sự chỉ huy của phó tướng Lê Doãn Nhã vẫn quyết kịch chiến với kẻ thù.

Tuy nhiên do cuộc chiến không cân sức, không được sự ủng hộ của triều đình nhà Nguyễn, nghĩa quân lại bị hy sinh nhiều. Số nghĩa binh còn lại biết không thể cầm cự được đã theo phó tướng Lê Doãn Nhã bí mật rút lên miền núi phía tây tiếp tục chiến đấu đến cùng và đã anh dũng hy sinh.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng trong vòng 3 năm dấy binh khởi nghĩa, hàng trăm trận chiến quyết liệt với kẻ thù, quân thù đã phải khiếp sợ trước sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân.

Tên tuổi tiến sĩ Lê Doãn Nhã vẫn ngời sáng bên cạnh các tấm gương yêu nước lớn như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Tinh thần yêu nước của Lê Doãn Nhã gắn liền với phong trào Cần vương chống Pháp.

                Dương Tuấn

Theo Đời sống
back to top