Tiền đề nào để Lạng Sơn xây dựng mục tiêu chuyển đổi số?
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Theo đó, chỉ số xếp hạng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index) của tỉnh liên tục tăng. Năm 2020, Lạng Sơn xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, trong đó các cơ quan Đảng của tỉnh xếp thứ 10/63 Tỉnh ủy, Thành ủy về ICT-Index. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh đang từng bước phát triển và hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 2.818 trạm BTS phát sóng di động 2G/3G/4G; 100% xã, phường, thị trấn có cáp quang đến và cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng. Các phần mềm dùng chung gồm: Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp các cơ quan Đảng, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. Cổng/trang thông tin điện tử triển khai đến hầu hết các cơ quan, đơn vị. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đồng bộ, liên thông đến cấp xã; cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang từng bước được triển khai, nâng cấp. Những cơ sở hạ tầng viễn thông nói trên là tiền đề quan trọng để Lạng Sơn phấn đấu trở thành một trong những tỉnh đi đầu về số hóa trong cả nước.
Chuyển đổi số bắt đầu từ chính quyền cấp tỉnh
Với tầm nhìn dài hạn là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh có bước đi nhanh, thực hiện sớm chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Lạng Sơn đã xác định mục tiêu tổng quát tới năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Quá trình chuyển đổi số sẽ được thực hiện từ trên xuống và triển khai trước hết ở chính quyền cấp tỉnh. Theo đó, Lạng Sơn đặt mục tiêu xây dựng “chính quyền số” với các tiêu chí như: 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều thiết bị khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% cơ quan, đơn vị hành chính có ít nhất một Trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường làm việc.
Tới năm 2030, Lạng Sơn sẽ phấn đấu 100% hồ sơ công việc ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được xử lý trên môi trường mạng; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Lạng Sơn cũng đặt mục tiêu số hóa hoàn toàn hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ của các cơ quan; chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê; khả năng chia sẻ, lưu trữ dữ liệu điện tử...
“Cửa khẩu số” là điểm nhấn quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của Lạng Sơn
Là một trong số ít tỉnh, thành trên cả nước có tới 2 cửa khẩu (Tân Thanh và Hữu Nghị) với lưu lượng hàng hóa lưu thông cao, việc Lạng Sơn xác định xây dựng nền tảng cho “cửa khẩu số” là một trong những điểm đặc biệt đáng chú ý trong quá trình tỉnh thực hiện chuyển đổi số.
Theo đó, Lạng Sơn đặt mục tiêu ứng dụng nền tảng “cửa khẩu số” để cung cấp toàn bộ các dịch vụ xuất-nhập khẩu cho các phương tiện vận tải, doanh nghiệp, thương nhân; phục vụ quản lý số lượng người, phương tiện, hàng hóa luân chuyển qua cửa khẩu; phục vụ kiểm tra, giám sát của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành.
Nền tảng “cửa khẩu số” phải ứng dụng các công nghệ số hiện đại như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI). Việc sử dụng nền tảng “cửa khẩu số” được tuân thủ theo 8 bước gồm: Khai báo thông tin (mở tờ khai); vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; điều khiển luồng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm tra y tế; kiểm tra phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu vào/ra khu vực cửa khẩu; kiểm dịch y tế, động vật, thực vật; sang tải hàng hoá và kiểm hóa; thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu.
Việc triển khai “cửa khẩu số” mang lại những lợi ích đáng kể trong công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước khi tạo được kênh thông tin, kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. “Cửa khẩu số” tăng cường mức độ tự động hóa, giảm thiểu các tác động của con người, từ đó hạn chế sai sót và tăng hiệu quả thông quan, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu.
Các giải pháp phù hợp sẽ giúp Lạng Sơn đảm bảo thực hiện được mục tiêu về chuyển đổi số
Để thực hiện những mục tiêu về chuyển đổi số tương đối “tham vọng” nói trên, Lạng Sơn đã đề ra những giải pháp quyết liệt, toàn diện, qua đó tập hợp, đoàn kết sức mạnh tập thể của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Các giải pháp chủ yếu gồm: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số.
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường chỉ đạo, quán triệt, triển khai mục tiêu của tỉnh về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Công tác phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, nội dung, tầm quan trọng của chuyển đổi số được đẩy mạnh đến mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ rà soát, sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện. Quá trình thực hiện chuyển đổi số gắn với khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tạo điều kiện thuận lợi nhất; hoạt động thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh được tích cực thúc đẩy.
Tỉnh cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ về chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin - viễn thông hiện có; đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyển đổi số để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.
Thứ ba, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Lạng Sơn xác định tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, vốn nước ngoài và xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Bên cạn đó, tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mạng di động 5G tại các khu vực quan trọng trên địa bàn tỉnh như khu trung tâm, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch, khu vực cửa khẩu, phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT), hạ tầng điện toán đám mây phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh.
Các doanh nghiệp công nghệ số cũng được khuyến khích thử nghiệm, đầu tư phát triển nền tảng số hiện đại, ứng dụng các công nghệ điện toán đám mây (Cloud) dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI) cho tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực quản lý hành chính, cửa khẩu số và trong các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, giao thông...
Chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn. Tỉnh Lạng Sơn sẽ trở thành tỉnh có bước đi nhanh, sớm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chuyển đổi số; nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại, lấy người
dân và doanh nghiệp là trung tâm, lấy thể chế và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.