Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất oxy y tế từ khí trời

Với hệ thống tạo oxy và khí nén di động, hệ thống tạo oxy do Việt Nam sản xuất dễ dàng lắp đặt cho các đơn vị y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...., chủ động và tiết kiệm chi phí về nguồn cung oxy y tế trong hoạt động hàng ngày cũng như khi có tình huống dịch bệnh đột biến.

Hệ thống tạo oxy cho bệnh viện C-System với 2 model CS50 và CS20 được Novamed Việt Nam giới thiệu trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học – Công nghệ chuyên ngành trang thiết bị y tế lần thứ 4, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Thiết bị Y tế Việt Nam vào ngày 06/01/2023 tại Bệnh viện E, Hà Nội.

C-System được thiết kế để các bệnh viện có thể tự sản xuất oxy y tế, giúp các bệnh viện thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn oxy lỏng và oxy bình nén.

Hệ thống tạo oxy từ khí trời.

Hệ thống tạo oxy từ khí trời.

Theo thống kê trong báo cáo của PATH về nguồn cung oxy tại Việt Nam, khoảng cách trung bình từ bệnh viện đến trung tâm cung cấp bình khí là 50.1 km và hơn 100 bệnh viện nằm cách nhà phân phối trên 100km. Điều này có nghĩa là các bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo rất khó để tiếp cận được nguồn oxy y tế.

Với cốt lõi là công nghệ Sàng hấp phụ phân tử PSA, Hệ thống tạo oxy cho bệnh viện C-System được Novamed Việt Nam thiết kế và hiệu chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế trong nước.

Hệ thống sẽ tự hấp thu không khí để tạo ra nguồn oxy có độ tinh khiết 93 +_ 3% đảm bảo trong điều trị và tiết kiệm chi phí lên đến 40% so với oxy bình.

Bên cạnh đó, hệ thống C-System có dạng module tùy chỉnh, giúp các cơ sở y tế dễ dàng lựa chọn công suất phù hợp với nhu cầu riêng cũng như hỗ trợ việc bảo trì, sửa chữa dễ dàng và nhanh chóng.

Trao đổi với PV KH&ĐS, ông Ngô Thanh Sơn, Tổng giám đốc Novamed Việt Nam cho biết, trước đây, các hệ thống tạo oxy cho bệnh viện đều phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá thành cao, khó đảm bảo dịch vụ kỹ thuật.

Hầu hết sản phẩm Tạo oxy của các hãng sản xuất trên thế giới đều có kết cấu lớn, công suất tiêu hao lớn, các bệnh viện nhỏ sẽ khó tối ưu chi phí vận hành. Vì nhu cầu oxy trong mỗi thời điểm của một ngày sẽ khác nhau, thường là cần nhiều oxy vào buổi sáng, cần ít oxy vào buổi tối.

Trao hệ thống oxy cho bệnh viện 175

Trao hệ thống oxy cho bệnh viện 175

Khắc phục vấn đề này, Novamed Việt nam đã làm chủ công nghệ, đưa ra sáng kiến thiết kế hệ thống với kết cấu module giải quyết được các thách thức về bảo trì, bảo dưỡng.

Hệ thống C-System với thiết kế module có thể tự nhận biết nhu cầu oxy của viện để bật/tắt các module. Điều này giúp giảm được lãng phí về điện năng, cũng như kéo dài tuổi thọ của máy.

Đặc biệt, với ứng dụng công nghệ kết nối IoT, các hệ thống C-System luôn được các kỹ sư của nhà máy và bệnh viện theo dõi từ xa tình trạng hoạt động, chất lượng oxy để có thể tiên lượng và đáp ứng kịp thời khi có vấn đề.

Hệ thống tạo oxy và khí nén di động NovaO2 Mobile System của Novamed đã hoạt động tại các bệnh viện Dã chiến tại: Bình Phước, Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu và BV quận 8 TPHCM…

Với lần ra mắt này, Novamed giới thiệu 2 model C-System: Hệ thống CS50 với công suất tạo oxy 3m3/giờ (tương đương 12 bình oxy nén/ngày) và Hệ thống CS20 với công suất tạo oxy 1,2m3/giờ (tương đương 5 bình oxy nén/ngày). Đây là 2 cấu hình phù hợp với nhu cầu của hầu hết các bệnh viện tuyến cơ sở của Việt Nam.

Đại Trao nhận hệ thống oxy cao áp cho bệnh viện 175
Trao nhận hệ thống oxy cao áp cho bệnh viện 175

PGS.TS.BS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi Sức Việt Nam cho biết, nhu cầu oxy không chỉ cần thiết trong đại dịch mà luôn cần thiết để cứu sống người bệnh. Hiện các bệnh viện tuyến dưới rất cần có hệ thống oxy cho người bệnh, đặc biệt là trong cấp cứu, gây mê và hồi sức. Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất đi vào ứng dụng hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cứu sống bệnh nhân.

Tại lễ kỷ niệm Hội trang thiết bị Việt Nam và công ty Novamed cũng đã trao tặng hệ thống tạo oxy y tế cho Bệnh viện quân y 175 để Bệnh viện mang ra phục vụ nhân dân tại Đảo trường sa lớn.

Theo VietnamDaily
back to top