Bạn có biết trong 1 phút có:
– 4.166.667 bài viết được like trên Facebook.
– 1.736.111 bức ảnh trên Instagram được thả tim.
– 347.222 dòng Tweet được cập nhật.
– 284.722 tin nhắn được gửi đi từ Snapchat.
Nhưng đó là số liệu của 3 năm về trước, khi mà trên toàn thế giới mới chỉ có 3,2 tỷ người dùng Internet.
Mạng xã hội là hình mẫu kinh doanh trên nền kinh tế của “sự chú ý”. Lợi nhuận dựa trên số lần nội dung nào được người dùng nhìn thấy, và được click chuột. Để làm được việc này, họ thiết kế những thuật toán cho bạn nhìn thấy những thông tin nóng hổi nhất và gây chú ý nhất trong mạng xã hội của bạn. Nếu bản tin của bạn ngày nào cũng đầy những tin tức nhàm chán, bạn sẽ chẳng buồn xem nữa. Thay vào đó, mạng xã hội cho bạn xem những sự kiện mang đến cảm xúc mạnh, ví dụ thông tin tiêu cực, những thông tin gây tức giận, gây cảm động… Bởi đó là những thông tin thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Thế giới ngày nay không còn thiếu kiến thức. Lượng thông tin tràn vào xã hội cũng vượt xa mức mong muốn của cả những người ham học hỏi và ưa khám phá nhất. Điều đang thiếu trong kỷ nguyên internet chính là sự chú ý. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong nền kinh tế dựa trên sự chú ý.
Theo nhà khoa học thần kinh Amishi Jha chuyên về cơ chế sự chú ý của não khẳng định việc Morgan Freeman – nam diễn viên hàng đầu Hollywood – phát biểu rằng “Con người chỉ sử dụng 10% khả năng của não” là hoàn toàn sai. Sự thật là, con người sử dụng 100% khả năng của não. Bộ não là một cơ quan hiệu suất cao, cơ quan đòi hỏi năng lượng được sử dụng tối đa, và mặc dù ở trạng thái công suất đầy đủ nó vẫn phải chịu một vấn đề: quá tải thông tin. Có quá nhiều vấn đề trong môi trường để bộ não phải xử lý. Vì vậy, để giải quyết vấn đề quá tải, sự tiến hóa đã đưa ra một giải pháp, đó là hệ thống chú ý của não.
Để có thể không bị chi phối bởi hàng trăm, hàng ngàn thông tin trên mạng xã hội mỗi ngày – những thông tin được tạo ra nhằm lôi kéo sự chú ý của bạn – bạn cần rèn luyện một kỹ năng quan trọng: Sự tập trung.
Tập trung là yếu tố sinh ra thành công dài hạn. Tập trung dẫn đến những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Tập trung quyết định bạn cải thiện điều gì đó như thế nào. Tuy nhiên kỷ nguyên công nghiệp hiện đại đang liên tục đẩy ta rời khỏi sự tập trung.
Đây là những thử thách mới mà thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt. Ông bà chúng ta đã phải học cách làm chủ thời cuộc và năng lượng để khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế lao động. Cha mẹ chúng ta đã phải làm chủ trí óc và khả năng giải quyết vấn đề để khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế tri thức. Chúng ta cũng phải học cách làm chủ khả năng tập trung và tự nhận thức để có thể khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế của sự chú ý.
Vậy làm sao để tập trung?
Theo nhà khoa học thần kinh Amishi Jha, chúng ta nên tập luyện Mindfulness (chánh niệm).
Mindfulness là gì? Tại sao cũng chúng ta lại cần nó?
Chánh niệm cũng có thể hiểu là chấp nhận. Nghĩa là chúng ta chú tâm đến sự suy nghĩ, để có thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan, không để xen vào ý niệm phê phán hoặc niềm tin mù quáng.
Chánh niệm là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết sự vật, tức chúng ta như những khoa học gia, nhìn sự vật như nó là, mà không phê phán khen chê, mê đắm hoặc giận hờn thù hận (see things as they are).
Ngược lại, nếu không chánh niệm, có nghĩa là tâm ta suy nghĩ lung tung, chạy lăng xăng, ưa cái này, ghét cái nọ, ham muốn cái kia. Tâm lúc đó có thể ví như những làn sóng biển trong cơn bão tố, liên tục lên cao rồi hụp xuống, không có giây phút ngừng nghỉ.
Triệu chứng của việc thiếu “Mindfulness”:
– Bạn có xu hướng suy nghĩ, hành động theo phản xạ và thói quen
– Bạn để quá khứ quyết định con người, hành vi của bạn hiện tại
– Bạn để mình lỗi thời và mãi khư khư sống với quá khứ
– Bạn cảm thấy mù mờ với hiện tại, dễ mất tập trung.
Và bạn có “Mindfulness” là khi:
– Bạn sống với hiện tại.
– Hành vi, suy nghĩ, phản ứng của bạn liên quan và phù hợp với bối cảnh hiện tại.
– Bạn vẫn có thể để những nguyên tắc trong quá khứ dẫn dắt, tuy nhiên vẫn nhanh chóng nắm bắt những thông tin đang diễn ra xung quanh trong thời điểm hiện tại.
– Bạn không để mình bị lạc lõng với mọi thứ xung quanh.
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng “Mindfulness” có một tác động tích cực đến cuộc sống cá nhân cũng như công việc của con người.
Mindfulness tốt cho tinh thần: làm tăng cảm xúc, suy nghĩ tích cực và giảm những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Nó giúp con người bớt căng thẳng và chống trầm cảm.
Mindfulness tốt cho não bộ: Nghiên cứu cho thấy nó làm tăng mật độ chất xám trong những vùng não liên quan đến học tập, trí nhớ, điều chỉnh cảm xúc và sự đồng cảm.
Mindfulness giúp bạn tăng khả năng tập trung, giúp chúng ta sống trong từng giây phút trong hiện tại.
Làm sao để vun trồng chánh niệm?
Tập trung chú ý, bám sát vào hơi thở, đặc biệt là lúc mình có những cảm xúc căng thẳng.
Cần chú ý những gì mà bạn đang ý thức trong khoảnh khắc hiện tại như thấy, nghe, ngửi…, chúng thường lẻn vào tâm trí mà không qua sự nhận biết có ý thức của bạn.
Khi những ý nghĩ và cảm xúc của bạn lướt qua mà không “mang theo” bình luận xấu, tốt, đúng, sai là có thể nói bạn đã thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực và tâm đã an trú trong chánh niệm.
Nhà khoa học Jon Kabat-Zinn định nghĩa: “Chánh niệm thực ra không phải là chỉ ngồi thế hoa sen giống như một bức tượng treo trong một viện bảo tàng. Chánh niệm là một cuộc sống tiếp diễn từng giây phút, từng giây phút”.
Huỳnh Công Thắng (Theo DNSG)