Làm đủ xét nghiệm, sản phụ vẫn hôn mê do tiểu đường thai kỳ nặng

Đã làm đầy đủ xét nghiệm thai kỳ tại một cơ sở y tế tư nhân, sản phụ bất ngờ phát hiện bị tiểu đường thai kỳ ở tuần 34 dẫn đến hôn mê do đái tháo đường và sinh non. Vậy phòng tránh cách nào?

Hôn mê và suy thai do theo dõi tiểu đường thai kỳ phòng khám tư

Sản phụ L.T.H (34 tuổi, ngụ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội), đã trải qua một lần vượt cạn đầy lo âu và nguy hiểm do biến chứng tiểu đường thai kỳ không được phát hiện sớm.

Chị H. thực hiện quản lý thai kỳ tại một cơ sở y tế tư nhân từ những ngày đầu mang thai. Các xét nghiệm thai kỳ (bao gồm cả chỉ số tiểu đường) đều cho kết quả bình thường, khiến chị yên tâm rằng thai kỳ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, đến tuần thứ 34, chị đột nhiên xuất hiện triệu chứng khó thở, tiếp theo là đau bụng và ra máu âm đạo.

Ngay lập tức, chị đến cơ sở y tế tư nhân trên và được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ nặng dẫn đến hôn mê và suy thai. Tình trạng nguy cấp buộc cơ sở phải chuyển chị đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội bằng xe cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực và mổ lấy thai cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và bé. Bé gái chào đời với cân nặng 2300g, được theo dõi và điều trị tại khoa Sơ sinh trước khi chuyển sang Viện Nhi Trung ương. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y tế khoa Gây mê hồi sức và khoa Hồi sức tích cực, chống độc & giảm đau, sức khỏe của chị H dần hồi phục.

Các thai phụ lưu ý, cần quản lý thai kỳ tại các cơ sở sản khoa uy tín và làm các xét nghiệm theo đúng quy định để đề phòng, phát hiện và điều trị sớm các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ, đặc biệt các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường thai kỳ. Việc khám thai tại các cơ sở sản khoa uy tín sẽ giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ và độ chính xác của các xét nghiệm.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp khi mang thai, các bà bầu nên lưu ý để tránh mắc phải bệnh lý này.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp khi mang thai, các bà bầu nên lưu ý để tránh mắc phải bệnh lý này.

Cách phát hiện tiểu đường thai kỳ

BS Hồ Thu Thủy, Phó phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp khi mang thai, có nguy cơ gây tai biến sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Do đó, khi các chị em mang thai cần lưu ý tới bệnh lý này để tránh những ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé.

Theo BS Hồ Thu Thủy, định nghĩa từ Tổ chức Y tế thế giới, tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng glucose huyết tương chẩn đoán lần đầu tiên trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và không có bằng chứng đái tháo đường type I hoặc Type II trước đó.

Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện khi tiến hành tầm soát cho mọi thai phụ từ tuần thứ 24 - 28 của tuổi thai. Thời điểm này được xem là thời điểm chuẩn, tốt nhất cho phát hiện bất thường chuyển hóa Carbohydrate trong thai kỳ.

Nếu là nhóm nguy cơ cao nên thực hiện nghiệm pháp tầm soát sớm và nếu nghiệm pháp âm tính sẽ lặp lại khi tuổi thai 24 - 28 tuần. Thực hiện Nghiệm pháp dung nạp 75 gram Glucose - 2 giờ.

Tư vấn cho phụ nữ mang thai

Tư vấn cho phụ nữ mang thai

7 trường hợp bà bầu có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ

BS Hồ Thu Thủy cho biết, các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện, có sự liên quan giữa các yếu tố nguy cơ ở thai phụ với Đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ có xu hướng hay gặp ở những thai phụ sinh con khi lớn tuổi, sinh nhiều con, thừa cân, tiền căn gia đình có đái tháo đường, tiền căn sản khoa như thai lưu, sinh con to...Cụ thể là các trường hợp sau:

Béo phì: Ở người béo phì có tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose, dễ mắc Tiểu đường thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy béo phì trước khi mang thai là yếu tố nguy cơ mắc Tiểu đường thai kỳ.

Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người bị Đái tháo đường thế hệ thứ nhất là một trong những yếu tố nguy cơ cao của Tiểu đường thai kỳ, chiếm 50 - 60% so với nhóm tiền sử gia đình không có người đái tháo đường.

Do đó, khi khám thai, cần hỏi rõ về tiền sử gia đình, nếu có người thân thế hệ 1 mắc Tiểu đường cần tư vấn thai phụ thực hiện sàng lọc Tiểu đường thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên, tránh bỏ sót bệnh.

Tiền sử sinh con to ≥ 4000 gam: Cân nặng trẻ sơ sinh to ≥ 4000 gam vừa là hậu quả của Tiểu đường thai kỳ, vừa là yếu tố nguy cơ cho mẹ ở những lần mang thai sau.

Tiền sử bất thường về dung nạp glucose: Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với Tiểu đường thai kỳ, đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị Tiểu đường thai kỳ.

Glucose niệu dương tính: Cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với Tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, có khoảng 10 - 15% thai phụ có glucose niệu dương tính mà không phải do mắc Tiểu đường thai kỳ.

Phụ nữ lớn tuổi mang thai: Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thai phụ có tuổi nhỏ hơn 25 được coi là ít nguy cơ Tiểu đường thai kỳ, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai thì nguy cơ Tiểu đường thai kỳ tăng cao hơn.

Người có tiền sử sản khoa bất thường: Thai phụ có tiền sử thai chết lưu không rõ nguyên nhân có nguy cơ cao mắc Tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, yếu tố chủng tộc và người có hội chứng buồng trứng đa nang cũng là nguy cơ dẫn đến Tiểu đường thai kỳ.

BS Thủy nhấn mạnh, với phụ nữ mang thai nói chung và 7 trường hợp có nguy cơ cao, việc theo dõi ngay từ đầu về chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng để kịp thời kiểm soát tình trạng Tiểu đường thai kỳ.

Để giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, về khía cạnh dinh dưỡng, từ trước khi mang thai, người phụ nữ cần duy trì cân nặng ở mức càng gần lý tưởng càng tốt, khi có thai bà bầu nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học, với thành phần cân đối đúng khuyến nghị, hạn chế đường tinh luyện ngay từ khi phát hiện mang thai và nếu không có yếu tố nguy cơ, thai phụ cần được thực hiện sàng lọc tiểu đường thai kỳ từ tuần 24-28 của thai kỳ.

Theo Đời sống
Ông Trần Thanh Mẫn trở thành Chủ tịch Quốc hội

Ông Trần Thanh Mẫn trở thành Chủ tịch Quốc hội

Với 100% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, ông Trần Thanh Mẫn đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức.
Nhiều lợi ích khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Nhiều lợi ích khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh Trịnh Xuân An cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
back to top