Ngày 19/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm cùng các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng tại tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm).
Lực lượng kiểm lâm đang kiểm tra hiện trường khu vực thông bị đầu độc bằng hóa chất. |
Cụ thể, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi) thuộc lâm phần do Công ty CP Hà Phong quản lý xảy ra vụ việc khoan lỗ, đổ hóa chất đầu độc rừng thông tự nhiên.
Theo kết quả kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tại khoảnh 6, tiểu khu 614 thuộc địa phận xã Lộc Ngãi, lâm phần do Công ty CP Hà Phong quản lý có 42 cây thông ba lá thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang có dấu hiệu vàng lá, dưới mỗi gốc cây đều có dấu vết tác động cưa, cắt từ 1 đến 2 vị trí, các đoạn gỗ còn lại tại hiện trường đều có lỗ khoan rộng khoảng 2 cm, sâu 10 cm. Diện tích rừng bị tác động 2.600 m2, tổng trữ lượng lâm sản 38,290 m3.
Những cây thông bị chết có dấu hiệu bị khoan lỗ, tiêm hóa chất. |
Tương tự, tại khoảnh 5, tiểu khu 614, cũng lâm phần do Công ty CP Hà Phong quản lý, hiện trường có 51 cây thông bị ảnh hưởng bởi chiêu thức tương tự, khoan lỗ đổ thuốc độc. Tổng trữ lượng lâm sản là 67,082 m3, diện tích rừng bị tác động hơn 3.000 m2 thuộc đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Quan sát bằng mắt thường, phần lớn số cây thông này đã vàng lá và theo kinh nghiệm nhiều năm qua của các nhà chuyên môn thì khả năng những cây thông này bị chết là khá cao. Cả hai vị trí rừng thông bị đầu độc nêu trên hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Dấu hiệu ban đầu cho thấy các tán lá thông đổi màu rồi khô héo. |
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm và giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phối hợp với cơ quan Công an địa phương tập trung điều tra, làm rõ đối tượng thực hiện hành vi vi phạm để hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định.
Đồng thời, Sở phối hợp với đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tìm giải pháp cứu chữa số cây thông bị đầu độc; xác định trách nhiệm của chủ rừng trong việc chậm phát hiện, ngăn chặn vụ việc; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của kiểm lâm.