Ảnh minh họa
Hỏi: Bố tôi được chẩn đoán bệnh động mạch vành và được chỉ định làm cầu nối. Xin hỏi, có phải cứ bị mạch vành là phải làm kỹ thuật này không? Tác dụng và nguy cơ khi thực hiện?
Lê Thị Thắm (Hà Nội)
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tim mạch Việt Nam: Không phải ai có bệnh mạch vành cũng cần làm phẫu thuật cầu nối chủ-vành. Thầy thuốc sẽ quyết định bệnh nhân có cần phẫu thuật không, dựa trên một số yếu tố như mức độ hẹp mạch vành, triệu chứng lâm sàng hoặc cân đối khi so sánh giữa lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật với các biện pháp điều trị khác như can thiệp đặt stent mạch vành qua da hoặc điều trị thuốc đơn thuần.
Phẫu thuật làm cầu nối chủ-vành là một phẫu thuật nhằm tái thông dòng chảy mạch vành, thường được sử dụng để cải thiện dòng máu nuôi cơ tim cho những bệnh nhân hẹp mạch vành mức độ nặng.
Khi phẫu thuật, bác sỹ sẽ sử dụng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch “lành lặn”, không bị hẹp từ chính cơ thể của bạn (thường dùng động mạch vú trong, động mạch quay, tĩnh mạch hiển) để nối từ động mạch chủ đến nhánh mạch vành bị hẹp.
Cầu nối này sẽ đảm đương vai trò vận chuyển máu giàu oxy đến nuôi cơ tim. Kết quả phẫu thuật làm cầu nối chủ vành nói chung rất khả quan, với trên 85% bệnh nhân cải thiện rõ rệt triệu chứng lâm sàng, giảm tỉ lệ nhồi máu cơ tim, và giảm tỉ lệ tử vong.
Tuy nhiên, phẫu thuật làm cầu nối chủ vành là loại phẫu thuật lớn (đại phẫu) nên cũng có tỷ lệ gặp biến chứng nhất định dù khá thấp như: đau, nhiễm khuẩn, chảy máu, suy thận, dị ứng thuốc gây mê, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hoặc tử vong.
TN (ghi)