Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Trước tình trạng các bệnh viện thiếu trầm trọng vật tư và thiết Bộ y tế, Bộ Y tế vừa có báo cáo nêu rõ vướng mắc, khó khăn và đề xuất kiến nghị đến Chính phủ để giải quyết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngành y đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị đến chảy máu chất xám, quá tải ở các cơ sở y tế tuyến cuối...

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường...

Bệnh viện Việt Đức đã có thông báo hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu từ 1-3.

Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng cho biết: Nếu tiếp tục chờ 3 báo giá, chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động.

Đây cũng là tình trạng chung tại các bệnh viện trên cả nước.

Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế sau COVID-19 đang trầm trọng tại các bệnh viện

Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế sau COVID-19 đang trầm trọng tại các bệnh viện

Trước tình trạng đó, ngày 24/2, Bộ Y tế cho biết đã có báo cáo về các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Đồng thời có đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ trước thực trạng nhiều bệnh viện trên cả nước cần "cấp cứu" vì thiếu vật tư, thiết bị y tế.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị…

Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng nêu rõ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải như Nghị định 63/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm và dự toán mua sắm nên các đơn vị lúng túng trong việc thực hiện.

Thông tư 68/2022/TT-BTC quy định tham khảo ít nhất 3 báo giá trong điều kiện chỉ có 1 nhà cung cấp và đối với quy định mua sắm thường xuyên không quy định để chủ đầu tư quyết định dự toán mua sắm trong trường hợp không thể tham khảo giá dẫn tới khó khăn trong thực tế triển khai.

Một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt...

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC, Nghị định 51/2017/NĐ-CP…

Trong báo cáo này, Bộ Y tế nêu rõ 4 khó khăn, vướng mắc nổi cộm hiện nay dẫn đến các đơn vị lúng túng thực hiện:

1- Về khái niệm tài sản công có bao gồm thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng 1 lần thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 151/2017/NĐ-CP, theo đó không thể áp dụng ban hành định mức sử dụng để mua sắm.

2- Phân cấp thẩm quyền mua sắm giữa Nghị định 63/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu và Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài sản công cần thống nhất.

3-- Hiện nay chỉ có Nghị định 151 quy định nội dung quyết định mua sắm, chưa có hướng dẫn nội dung dự toán mua sắm và chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xây dựng, phương pháp thẩm định.

Điều này khiến các đơn vị rất lúng túng trong thực hiện dẫn đến sợ không dám thực hiện vì không biết thế nào đúng, sai.

4-Về tham khảo giá, khó nhất hiện nay, đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu thế nào là đúng.

Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với công tác tăng cường quản lý nhà nước và trang thiết bị, Bộ Y tế cho hay giải pháp trước mắt là tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung nghị định số 98/2021/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong tháng 2-2023. Khẩn trương bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BYT…

Giải pháp lâu dài cần xây dựng Luật về thiết bị y tế. Tháng 10-2023 báo cáo Chính phủ đề cương dự thảo luật…

Theo Đời sống
back to top