Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài xả chất thải trái phép vì... thiên tai?

“Trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài với lưu lượng nước lớn, nên hệ thống xử lý tự động xả thải để tránh trường hợp vỡ bể chứa nước thải”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Ban Quản lý Dịch vụ Công ích Đô thị TP.Thái Nguyên cho biết.

Sau khi Khoa học và Đời sống số 26 ra ngày 29/6/2023, đăng bài viết “Thái Nguyên: Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài bị tố lén xả chất thải trái phép”, Ban Quản lý Dịch vụ Công ích Đô thị TP Thái Nguyên lên tiếng xác nhận sự việc.

Nhà máy xử lý chất thải rắn đá mài

Nhà máy xử lý chất thải rắn đá mài

Hệ thống tự động xả để tránh vỡ bể chứa?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Ban Quản lý Dịch vụ Công ích Đô thị TP Thái Nguyên (đơn vị quản lý bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt) xác nhận có chuyện xả thải ra môi trường tại khu Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài. Nguyên nhân là do… thiên tai.

Ông Thắng cho biết, từ ngày 20 đến 26/6, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài với lưu lượng nước lớn khiến bãi chứa nước thải vượt công suất thiết kế. Vì vậy, hệ thống xử lý tự động xả thải để tránh trường hợp vỡ bể chứa nước thải.

Trước đó, đêm 25/6, nhiều người dân phát hiện tại khu vực suối gần Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài có hiện tượng bốc mùi hôi thối, lại gần xem thì phát hiện dòng nước chảy xiết, nổi bọt, màu đen, mùi nồng nặc, khó chịu. Sau đó, người dân gọi điện thông báo với chính quyền địa phương. Đại diện UBND xã tới ghi nhận, kiểm tra, lập biên bản.

UBND xã Tân Cương cho biết, đã tiếp nhận phản ánh từ người dân, có văn bản yêu cầu các bên vào cuộc, kiểm tra xác minh thông tin.

Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài xả chất thải trái phép vì... thiên tai? ảnh 2

Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài xả chất thải trái phép vì... thiên tai?

Trong khi đó, bà Đào Thị Hồng Loan, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Thái Nguyên (Chủ đầu tư Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài), khẳng định, đã nắm được thông tin người dân phản ánh. Doanh nghiệp sẽ phối hợp nhà thầu phụ, UBND xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, sớm trả lời việc này.

Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, đã giao Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên trả lời. Tuy nhiên, đến hiện tại, phóng viên chưa nhận được câu trả lời của UBND TP Thái Nguyên về sự việc trên.

Cổng nhà máy xử lý chất thải rắn đá mài

Cổng nhà máy xử lý chất thải rắn đá mài

Luật sư: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Liên quan việc xả thải tại Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài (bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt và nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài), luật sư Bùi Xuân Lai, Công ty Luật TNHH Hệ thống Dịch vụ Pháp lý Luật sư X, cho rằng, có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước thải đưa đi giám định, đối chiếu với những thông số ô nhiễm môi trường để đo đếm, xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xả thải. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức và cá nhân liên quan.

Luật sư Bùi Xuân Lai, Công ty Luật TNHH Hệ thống Dịch vụ Pháp lý Luật sư X

Luật sư Bùi Xuân Lai, Công ty Luật TNHH Hệ thống Dịch vụ Pháp lý Luật sư X

Luật sư Bùi Xuân Lai dẫn Điểm b, Điều 4 Nghị định số 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho hay: Phạt tiền tối đa một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Hành vi vi phạm ở nội dung này còn phải chịu những hình thức xử phạt bổ sung gồm: Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ…, tùy trường hợp vi phạm.

Điều 235 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với cá nhân phạm tội sẽ tùy tính chất, mức độ, sẽ bị xử phạt theo điều khoản tương ứng của điều luật với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm (hình phạt chính). Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại, tùy hành vi phạm tội tương ứng với trường hợp quy định tại những khoản của điều luật đã nêu trên, sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người hay sự cố môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả, sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài hình phạt chính, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm.

Khoa học và Đời sống tiếp tục thông tin vụ việc này tới bạn đọc.

Theo Đời sống
back to top